Tạp chí Người Đưa Tin pháp luật đã có bài viết: Chuyện “làm luật” ở trạm đăng kiểm 88-03D: Cứ "bôi" sẽ "trơn (?), phản ánh dấu hiệu "tham nhũng vặt" ở trạm đăng kiểm xe cơ giới 88-03D ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Theo đó, chỉ cần lái xe hoặc chủ xe chịu "chung chi" một số tiền là sẽ được cấp tem lưu hành cho xe dù xe mất phanh hay là không đảm bảo yêu cầu về số chỗ ngồi, giá đèo hàng...
Điều đáng nói, cơ quan quản lý của tỉnh này có biểu hiện "ngó lơ" cho sai phạm. Cụ thể, khi được phóng viên phản ánh về dấu hiệu “làm luật” ở trạm đăng kiểm 88-03D, lãnh đạo sở Giao thông Vận tải (GTVT) Vĩnh Phúc và cục Đăng kiểm Việt Nam đều tiếp nhận thông tin rồi… để đấy.
Xe hết lỗi phanh sau khi “chung chi” 300 nghìn đồng
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, đối với hầu hết xe tải đến làm thủ tục kiểm định tại trạm 88-03D, các lái – chủ xe tải đều được hướng dẫn vào căn phòng số 1 bí ẩn nói trên.
Phỏng vấn nhanh một số lái - chủ xe, phóng viên nhận được câu trả lời giống nhau: Nếu xe nhỏ, lỗi nhẹ thì 200 - 300 nghìn đồng, xe tải lớn hoặc lỗi nặng hơn thì từ 500 - 700 nghìn đồng. Riêng những chiếc xe tải hoặc xe khách gần hết niên hạn sử dụng thì số tiền “bôi trơn” phải lên đến hàng triệu đồng.
“Cứ để tiền trên chiếc giường trong phòng đó, mình đi ra thì họ sẽ có nhân viên vào để thu “chiến lợi phẩm”, thấy ổn thì họ sẽ hướng dẫn mình ra phòng chờ lấy kết quả. Trường hợp nào chưa đồng ý thì sẽ nhắc lái xe bồi dưỡng thêm tiền nước non, hoặc nêu ra hàng loạt lỗi cần sửa chữa rồi hướng dẫn mình đi sửa xe để khám lại…”, một lái xe từng làm thủ tục đăng kiểm tại trạm đăng kiểm 88-03D cho biết.
“Lúc đầu đánh xe vào vị trí chuẩn bị “khám” xe, tôi bị nhân viên đăng kiểm thông báo lốp xe bị mòn, phải đi thay lốp mới đăng kiểm được. Nhưng họ gợi ý muốn làm nhanh để khỏi mất công đi lại, đưa họ mấy trăm rồi họ cứ khám cho xong và đi thay lốp sau”, một lái xe khác thông tin.
Bằng chứng cho thấy là chiếc xe tải mang BKS 29C-xxx.59, mặc dù đang mắc lỗi kỹ thuật về phanh, nhưng chỉ cần chung chi thêm 300 nghìn đồng cho nhân viên ở trạm đăng kiểm 88-03D là lập tức được bỏ qua chi tiết lỗi đó.
Theo phản ánh, dù được kiểm định viên thông báo cho chủ xe là má phanh hoặc lốp quá mòn, nhưng chỉ thêm công đoạn “bôi trơn” được thực hiện ở phòng số 1 thì… má phanh hay lốp bỗng dưng… hết mòn (?!).
Đây không đơn thuần là sự vi phạm nghiệp vụ của kiểm định viên mà còn là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp.
Từ việc nhận tiền “bôi trơn” để bỏ qua cho những chiếc xe không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để được lưu hành, một số kiểm định viên đã vô tình tiếp tay cho nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ, sẵn sàng mang hiểm họa đến cho người tham gia giao thông và dể lại hậu quả khôn lường cho xã hội.
Sở GTVT Vĩnh Phúc thờ ơ, cục Đăng kiểm cũng… lạnh lùng!?
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Long Biên - Phó Giám đốc sở GTVT Vĩnh Phúc - cho biết: “Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 88-03D do cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý”.
Phóng viên khẳng định với ông Biên rằng, khi có phản ánh hoặc phát hiện dấu hiệu vi phạm về chuyên môn, sở GTVT phải có trách nhiệm thanh kiểm tra để báo cáo cục Đăng kiểm xử lý chứ sở GTVT không thể vô can.
Ông Biên thừa nhận chức năng của sở GTVT, ghi nhận phản ánh rồi hẹn phóng viên sẽ cho thanh tra và cung cấp thông tin lại. “Với tinh thần rất cầu thị, cũng mong anh em phóng viên tạo điều kiện”, ông Biên nói.
Mặc dù vậy, sau 3 lần làm việc với phóng viên, ông Biên vẫn chưa thể cung cấp được thông tin về kết quả thanh tra theo chức năng của sở GTVT.
Trong quá trình làm việc với cục Đăng kiểm Việt Nam, sau khi tiếp nhận thông tin của phóng viên, ông Nguyễn Minh Cương - Phó Cục trưởng cục này liền thoái thác trách nhiệm: “Về việc này chỉ có vài hình ảnh phóng viên cung cấp như thế này thì chưa thể xử lý được”.
Phóng viên khẳng định với ông Cương rằng, báo chí là kênh thông thông tin để cục Đăng kiểm kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý đơn vị đăng kiểm có dấu hiệu vi phạm chứ không phải là nguồn tin duy nhất. Báo chí cũng không có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ để cục Đăng kiểm cứ thế vào cuộc xử lý.
Thế nhưng hơn 1 tháng sau khi làm việc với phóng viên, khi hỏi về kết quả xử lý thì đại diện cục Đăng kiểm vẫn hồn nhiên trả lời: Thông tin phóng viên cung cấp không có căn cứ xử lý.
Đáng nói là tình trạng “bôi trơn”, thực hiện quy trình khám xe hời hợt để tùy tiện cấp chứng nhận đăng kiểm cho những chiếc xe không đủ điều kiện kỹ thuật được lưu hành vẫn diễn ra ở trung tâm đăng kiểm 88-03D…
Với cách trả lời của ông Phó cục trưởng cục Đăng kiểm như trên, dư luận đặt câu hỏi, chức năng, nhiệm vụ của cục Đăng kiểm là gì? Ai sẽ chịu trách nhiệm về những sai phạm xảy ra ở các đơn vị đăng kiểm nói chung, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới nói riêng, đặc biệt là tại trạm đăng kiểm 88-03D mà phóng viên đã ghi nhận?
Giám đốc công ty Hưng Long nguyên là cán bộ sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc
Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 8803D do công ty CP Hưng Linh Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng, được cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận số 8803D/ĐKVN-1 và khai trương vào tháng 1/2009.
Theo tìm hiểu của PV tạp chí Người Đưa Tin pháp luật, công ty CP Hưng Linh Vĩnh Phúc có địa chỉ tại phố Chợ Lầm, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc). Đây là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thành lập trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Giám đốc công ty này là ông Trần Minh Hoàng (SN 1982), tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội. Trước khi thành lập công ty CP Hưng Linh Vĩnh Phúc, ông Hoàng có 10 năm là cán bộ trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Vĩnh Phúc (sở Giao thông Vận tải Vĩnh Phúc).
Nguyễn Khuê/Người đưa tin pháp luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-lam-luat-o-tram-dang-kiem-88-03d-ky-2-cham-xu-ly-a547526.html