Thông tin từ khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Đa Khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận bé trai 17 tháng tuổi, ở Yên Bái, bị nhiễm trùng nặng hai chân.
Bệnh nhi được người nhà đưa đến viện trong tình trạng quấy khóc, vùng bỏng 2 bàn chân sưng nề chảy dịch đục, trợt da, từ cổ chân đến các ngón chân da bẩn, nhựa lá cây dính bết vào vết bỏng, hai bàn chân nhiễm trùng nặng, cử động cổ chân hạn chế.
Người nhà bệnh nhi cho biết, bé vô tình cho cả hai chân vào chậu nước sôi vừa rót ra chậu. 6 ngày ở nhà điều trị bằng đắp thuốc nam nhưng sau đó bé quấy khóc, sốt, vết bỏng chảy dịch đục, bé không ăn, bàn chân sưng nề, nóng sốt..., gia đình mới đưa bé đến bệnh viện khám.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được sát khuẩn chuyển phẫu thuật làm sạch vết thương, dùng thuốc giảm đau, chống sốc.
Bác sĩ trực tiếp tiếp nhận và thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết: Bệnh nhi bị bỏng ở mức độ II, III nếu sau khi bị bỏng đến bệnh viện xử lý vết thương ngay thì thời gian phục hồi sẽ nhanh chóng tránh các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhi. Nhưng do không được điều trị đúng cách, bệnh nhi hiện tại bị nhiễm trùng nặng hai bàn chân, nguy cơ nhiễm trùng huyết và có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào.
Hiện tại bệnh nhi đang được chăm sóc và theo dõi tại khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện đa khoa Hùng Vương.
Thời gian qua, các bác sĩ liên tục đưa ra lời cảnh báo đến người dân về các trường hợp bệnh nhân nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng nặng vết bỏng do đắp lá thuốc điều trị. Có những bệnh nhân vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, để lại nhiều di chứng cho bệnh nhân cũng như thời gian điều trị kéo dài.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị bỏng trước tiên cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Hải Sơn