Sáng 25/11, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng) chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo. Phiên họp nhằm thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 17 đến nay và một số nội dung quan trọng khác.
Hoàn thành xét xử sơ thẩm 4 vụ án trọng điểm
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ghi nhận vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo nói riêng tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, có những chuyển biến tích cực.
Nhiều vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh theo đúng kế hoạch.
Các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử đã tích cực, khẩn trương phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm 18 vụ án, 4 vụ việc.
Riêng từ sau phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo đến nay, 12 vụ án, 4 vụ việc đã được xử lý dứt điểm; kết thúc điều tra 13 vụ án/53 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ án/98 bị can; xét xử sơ thẩm 6 vụ án/33 bị cáo; xét xử phúc thẩm 4 vụ án/6 bị cáo.
Trong đó, 5 vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm được tích cực, khẩn trương kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, có cả cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý và cán bộ liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp.
Đặc biệt, Tổng bí thư cho biết các cơ quan đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 4 vụ án trọng điểm, như: Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến dự án 8-12, Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM; Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, xảy ra tại Ngân hàng BIDV và một số công ty có liên quan.Trong đó, 5 vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm được tích cực, khẩn trương kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, có cả cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý và cán bộ liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp.
Cũng theo người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 8 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm 5 đại án
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng cùng với việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng.
Song song với đó, cần hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế theo kế hoạch.
Ban Chỉ đạo yêu cầu phấn đấu đến hết năm 2020 kết thúc điều tra 5 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 1 vụ án; xét xử sơ thẩm 6 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 12 vụ việc theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Trong đó, khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong 5 vụ án.
Các vụ án gồm: Vụ “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Rửa tiền; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan; Vụ “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI); Vụ “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; Vụ “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; Lợi dụng chức vụ, quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị liên quan.Trong đó, khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong 5 vụ án.
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 5 vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Các vụ án gồm: Vụ “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam và các đơn vị có liên quan; Vụ “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Sabeco; Vụ “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam; Vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác đề trục lợi” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan; Vụ “Vi phạm quy định trong hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á.
Ngoài ra, tại cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết thúc theo dõi 12 vụ án, 4 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, do đã kết thúc việc xử lý theo quy định của pháp luật.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ky-luat-8-can-bo-thuoc-dien-trung-uong-quan-ly-a547716.html