Sắp tới, người dân được phép sử dụng pháo hoa trong đám cưới, lễ, sinh nhật

Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo vừa được Chính phủ thông qua ngày 27/11. Theo đó, người dân được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Cụ thể, quy định tại Điều 17 Nghị định 137/2020, trường hợp được sử dụng pháo hoa bao gồm:

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm.

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Như vậy, căn cứ quy định trên, khi Nghị định này có hiệu lực, người dân chỉ cần có “năng lực hành vi dân sự đầy đủ” sẽ được sử dụng pháo hóa mà không cần phải xin phép trong dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm.

Để quản lý chặt chẽ và đấu tranh các hành vi vi phạm, Chính phủ quy định người dân chỉ được dùng pháo hoa mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, theo khoản 4 Điều 5 của Nghị định 137/2020/NĐ-CP, nghiêm cấm việc lợi dụng, lạm dụng sử dụng pháo hoa để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/1/2021 và thay thế cho Nghị định 36/2009/NĐ-CP.

Về quy định mới này, Luật sư Tào Văn Đức - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, nhận đinh: "Việc cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp nêu trên là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đáp ứng đời sống tinh thần cho người dân và cũng đã có quy định quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn".

Pháo hoa là gì?

Theo điểm b, khoản 1, Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP giải thích: "Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ".

Những đối tượng đủ năng lực hành vi dân sự

Theo quy định tại điều Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015, người từ đủ 18 tuổi trở lên là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các Điều 22, 23 và 24. Cụ thể:

Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Điều 23. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

2. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự

1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

2. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Tào Đạt

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/sap-toi-nguoi-dan-duoc-phep-su-dung-phao-hoa-trong-dam-cuoi-le-sinh-nhat-a547839.html