"Bãi mìn" Trung Đông: "Món quà đắc cử" ông Trump gửi cho ông Biden?

Nhóm của ông Trump đã đặt một “bãi mìn” về chính sách đối ngoại ở Trung Đông và việc ông Biden dọn sạch nó trong bốn năm tới sẽ là một nỗ lực rất lớn.

Trung Đông xôn xao

Với những chính sách để lại sau 4 năm ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đang tạo ra một quá trình chuyển đổi quyền lực hỗn loạn và một khởi đầu khó khăn cho chính quyền mới của ông Joe Biden ở Trung Đông.

Trong những tuần gần đây, chính quyền của Trump đã dành sự quan tâm chưa từng có đối với khu vực Trung Đông. Ít nhất 4 quan chức Mỹ đã đến thăm Israel và các đồng minh vùng Vịnh trong vài tuần qua, bao gồm: Ngoại trưởng Mike Pompeo, Đại diện đặc biệt về vấn đề Iran và Venezuela Elliott Abrams, Trợ lý Ngoại trưởng về Chính trị - Quân sự R Clarke Cooper từ bộ Ngoại giao và cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner.

Trong khi đó, ông Trump đã tăng cường trừng phạt Iran và khiến giới quan sát hoài nghi đã “bật đèn xanh” cho Israel tiến hành ám sát khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh – cáo buộc cho cho đến nay Tel Aviv vẫn im lặng.

Một nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ do tàu USS Nimitz dẫn đầu cũng đã quay trở lại vùng Vịnh. Các động thái này dường như liên quan đến chính trị trong nước của Mỹ hơn là mang một mục tiêu chính sách rõ ràng ở khu vực, theo Al Jazeera.

Các đồng minh của chính quyền Trump ở Trung Đông đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Biden. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đang cho thấy xu hướng giải quyết bất đồng lâu năm với Qatar (mặc dù vẫn chưa rõ liệu ông sẽ trao phần thắng về chính sách đối ngoại này cho ông Trump hay ông Biden) và giảm bớt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ; ông cũng thận trọng hơn về việc bình thường hóa với Israel.

Thái tử Saudi đang nhắm đến mục tiêu xoa dịu căng thẳng để có thể bắt đầu đi đúng hướng với chính quyền Biden.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi dường như đang thực hiện các động thái hòa giải bằng việc thả các tù nhân chính trị trong những tuần gần đây. Iran cũng đang cố gắng tránh leo thang trong khu vực, hy vọng có khả năng khôi phục các cuộc đàm phán hạt nhân với chính quyền Biden và đảo ngược các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Bãi mìn Trung Đông

Tiêu điểm - 'Bãi mìn' Trung Đông: 'Món quà đắc cử' ông Trump gửi cho ông Biden? (Hình 2).
Ông Biden sẽ phải tiếp quản "di sản Trung Đông" phức tạp của ông Trump.

Có vẻ như các nhà lãnh đạo Trung Đông đang mong đợi nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden sẽ hoàn toàn trái ngược với ông Trump, mang lại những khía cạnh giống thời Barack Obama nhiều hơn. Mặc dù viễn cảnh này còn chưa rõ ràng, nhưng chính quyền mới chắc chắn sẽ thay đổi cách thức tiến hành chính sách đối ngoại của Mỹ ít nhất là theo ba cách.

Đầu tiên, các quyết định mang tính thể chế sẽ được khôi phục ở Washington thay vì các quyết định mang tính nóng vội như trước đây. Các nhà phân tích cho rằng, chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Trump đã bị cá nhân hóa một cách nguy hiểm theo ý chí chủ quan của ông Trump, khiến các nhà lãnh đạo nước ngoài có thể lợi dụng để mở rộng ảnh hưởng trong Nhà Trắng.

Cùng với đó, các quan chức bất đồng quan điểm với ông Trump thường xuyên bị sa thải hoặc buộc phải từ chức. Quy trình hoạch định chính sách đối ngoại truyền thống và hợp tác giữa các cơ quan cũng bị gạt sang một bên. Ông Trump cũng không tin tưởng các tổ chức quan trọng như Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao.

Một khi ông Biden và đảng Dân chủ chính thức nắm quyền, các nhà lãnh đạo Trung Đông sẽ không còn có thể trao đổi thuận lợi thông qua các "kênh cá nhân" như trước kia mà phải thông qua bộ Ngoại giao Mỹ. Họ sẽ phải chuyển sang ngoại giao truyền thống, làm việc với các đại sứ quán và các đại diện chính thức.

Tái thiết lập quy trình thể chế này cũng đồng nghĩa với việc quay trở lại sự cạnh tranh giữa các cơ quan của Mỹ về các vấn đề chính sách đối ngoại, đặc biệt là ở Trung Đông. Điều này có thể sẽ làm chậm quá trình ra quyết định ở Washington.

Thứ hai, chính quyền Biden sẽ mang lại sự bình ổn hơn đối với đường lối đối ngoại của Mỹ. Nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump vốn dày đặc các vấn đề phức tạp như các cuộc điều tra cấp cao, luận tội, căng thẳng chủng tộc, dị nghị trên Twitter, sự thay đổi liên tục của các quan chức được bổ nhiệm, v.v. - không chỉ ảnh hưởng đến chính trị Mỹ mà còn cả các động lực chính trị ở nước ngoài.

Thiên hướng của ông Trump trong các hành động đối ngoại thường là sử dụng thuế quan như một công cụ chính trị, ông cũng thường xuyên chỉ trích các đồng minh, thản nhiên đưa ra lời đe dọa sử dụng vũ lực và chuyển sang quan hệ gần gũi với các đối thủ.  Ngược lại, ông Biden có thể sẽ mang lại sự tương tác tích cực với các đồng minh truyền thống, đặc biệt là ở châu Âu.

Thứ ba, có thể sẽ có một sự thay đổi lớn trong các ưu tiên của Mỹ ở Trung Đông. Chính quyền Biden có khả năng tìm cách rút các nguồn lực của Mỹ ra khỏi Trung Đông để tập trung vào việc răn đe Nga và Trung Quốc, một động thái mà ông Trump hiện đang thực hiện đối với Iran.

Chính quyền Biden sẽ tìm cách giảm thiểu xung đột trên khắp Trung Đông và rất có thể sẽ vấp phải sự phản kháng từ các bên liên quan đang tìm cách tối đa hóa các vị trí chiến lược của Mỹ trong khu vực. Sự thay đổi ưu tiên dự kiến ​​này của Washington nhằm ngăn chặn Nga và Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu có lẽ sẽ bị các nhà lãnh đạo Trung Đông một lần nữa coi là dấu hiệu của sự yếu kém và như một sự khẳng định giới hạn sức mạnh của Mỹ.

Tổng thống Trump đã đầu tư quá mức vào Trung Đông. Cách tiếp cận cốt lõi của ông là hướng tới một liên minh Ả Rập-Israel chống lại Iran, cùng sự hỗ trợ của các đồng minh khác nhau như Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng không giống như ông Trump, ông Biden được cho là sẽ chỉ chờ đợi để phản ứng thay vì răn đe chủ động ở Trung Đông. 

Di sản của nhiệm kỳ tổng thống Trump sắp mãn nhiệm có thể mang lại một số cơ hội cho chính quyền mới trong tương lai, nhưng những thách thức trong khu vực sẽ vẫn tồn tại.

Nhóm của ông Trump đã đặt một “bãi mìn” về chính sách đối ngoại ở Trung Đông và việc dọn sạch nó trong bốn năm tới sẽ là một nỗ lực rất lớn. Các nhà lãnh đạo Trung Đông sẽ sớm kiểm tra xem nhà lãnh đạo mới của Mỹ thể hiện một số vấn đề về nòng cốt như thế nào trong 4 năm tới.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bai-min-trung-dong-mon-qua-dac-cu-ong-trump-gui-cho-ong-biden-a548104.html