Ashley Antonio - một luật sư hình sự ở Canada, đã mắc COVID-19 từ cuối tháng 3. Khi mới mắc bệnh, Ashley cũng có những triệu chứng thông thường như hầu hết các trường hợp khác bao gồm sốt, đau người, mệt mỏi và đau đầu. Ashley quyết định tự cách ly ở nhà với hy vọng các triệu chứng sẽ dần biến mất và tự hồi phục.
Ở tuổi 35, Ashley không hề có bệnh lý nền và thường xuyên rèn luyện đấm bốc cũng như tập thể lực 4 buổi/tuần. Tuy nhiên, các triệu chứng của cô không hề suy giảm mà lại gia tăng.
259 ngày sau, Ashley tiếp tục phải chịu đựng các hậu quả của COVID-19 khiến cuộc sống của mình đảo lộn về mọi mặt. Ashley đã phải nhập viện và xuất viện 4 lần trong vòng gần 9 tháng. Các bác sỹ của Ashley chẩn đoán cô bị viêm khớp và bệnh lý khiến tim đập nhanh mỗi lần cô đứng lên. Các bác sỹ cũng không biết các triệu chứng này có biến mất hay không và khi nào sẽ biến mất.
Theo Ashley, “các bệnh nhân đều được cho biết hoặc họ sẽ hồi phục hoặc chết và chưa từng có ai nói về việc bị mắc kẹt ở giữa với những tác động lâu dài của COVID-19. Chúng ta không hoàn toàn hồi phục mà chỉ là không dương tính với SARS-CoV-2 mà thôi”.
Các bác sỹ hiện vẫn chưa rõ vì sao nhiều bệnh nhân tiếp tục phải chịu đựng ảnh hưởng của dịch bệnh nhiều tháng sau khi mắc bệnh hoặc liệu họ có phải sống với các triệu chứng này tới cuối đời hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng cho biết điều này đang càng ngày càng rõ ràng khi có hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 đang đối mặt với các tác động lâu dài của virus.
Các bác sỹ đã xác định được rằng virus SARS-CoV-2 có các tác động lâu dài tới cả người trẻ và cao tuổi bất kể các trường hợp có triệu chứng nhẹ hay phải nhập viện điều trị. Những người phải chịu đựng các tác động lâu dài của virus thường dùng các mạng xã hội để chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Ashley đã tìm tới các bệnh nhân khác giống như mình để tìm hiểu thêm thông tin. Cô đã gia nhập một nhóm trên Facebook - nơi cô nhận thấy mình không phải là người duy nhất ngửi thấy mùi khói thuốc khi không có ai hút thuốc ở gần mình. Những người khác kể cho Ashley rằng họ cũng ngửi thấy các mùi ngẫu nhiên.
Ashley cho biết: “Tôi có rất nhiều câu hỏi và các bác sỹ không có nhiều câu trả lời. Tất cả đều mới với mọi người. Tôi chỉ muốn biết liệu những gì mình đang trải qua có “bình thường” hay không và phần nào thấy nhẹ nhõm khi mình không phải là người duy nhất”.
Mặc dù vẫn còn các triệu chứng, tháng 8, Ashley tình nguyện trở lại văn phòng luật của mình. Một vài ngày, cô cảm thấy ổn. Tuy nhiên, tình trạng nhịp tim tăng nhanh, hụt hơi, đau khớp và đau đầu vẫn thường diễn ra hàng ngày. Ashley tiếp tục có các triệu chứng mờ mắt và mẩn đỏ trên da. Các bác sỹ của cô cho rằng một số triệu chứng lâu dài sẽ xuất hiện và sẽ tồn tại mãi mãi.
Bảo Đăng (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ky-la-truong-hop-mac-covid-19-o-canada-gan-9-thang-khong-khoi-a548313.html