Có trường hợp do trẻ được bố mẹ quan tâm quá mức, khiến trẻ cảm thấy mất tự do nên bỏ nhà đi. (Ảnh minh họa, nguồn internet). |
“Thích” thì bỏ nhà đi
Cách đây ít hôm (chiều mồng 1/12), tại Quảng Ninh, lực lượng chức năng và gia đình đã tìm thấy nữ sinh Bùi Thị Ngọc A. (đang học lớp 8) sau 4 ngày mất tích. Ngọc A. được tìm thấy tại ngôi nhà hoang trong một khu đô thị.
Nữ sinh này kể, từ khi bỏ nhà đi, bản thân chỉ ở trong ngôi nhà hoang, không bị ai đánh đập, xâm hại đến sức khỏe. Sau khi tìm được con gái, gia đình đưa cháu Ngọc A. đi khám tại cơ sở y tế và cho kết quả không bị xâm hại về tình dục, thân thể.
Trước đó, vào cuối tháng 10/2020, 2 em học sinh nữ, lớp 6 ở Bắc Giang rủ nhau bỏ nhà, đến nhà bạn cùng lớp để ngủ khiến gia đình lo lắng, tá hỏa đi tìm. Rất may sau đó, lực lượng chức năng và gia đình đã tìm được các cháu. Nguyên nhân được biết, 2 cháu bị bố mẹ mắng nên tự ý bỏ nhà đi.
Một sự việc đau lòng hơn xảy ra vào tháng Chín vừa qua tại xã An Sơn, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Vào thời điểm sáng sớm, 1 bé trai sau khi ngủ dậy đã xuống cống nước để rửa mặt thì bị trượt chân rơi xuống.
Thấy tiếng kêu cứu, 1 bé trai khác chạy tới nhưng không dám nhảy xuống nên chạy đi gọi người ứng cứu. Khi người dân tới thì nạn nhân đã bị đuối nước. Được biết, mặc dù mới 13 tuổi, nhưng 2 em trai đã rủ nhau đi sống lang thang, ngủ ngoài đường, rồi sự việc đau lòng xảy ra...
Ngoài những vụ việc trên, thời gian qua, còn rất nhiều vụ khác mà trẻ tự ý bỏ nhà đi vì những lý do “không đâu vào đâu”. Có trường hợp trẻ bỏ nhà đi vì bị điểm kém, sợ bố mẹ mắng; có trường hợp do được bố mẹ quan tâm quá mức khiến trẻ cảm thấy mất tự do nên cũng bỏ nhà đi; có trường hợp thì bị bạn xấu rủ nên nghe theo; thậm chí, có đứa trẻ tự dưng cảm thấy “chán đời” nên bỏ đi...
Nguy hiểm luôn rình rập!
Phân tích về thực trạng trẻ em, vị thành niên bỏ nhà đi, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ - Hạnh phúc) cho rằng: “Việc trẻ em bỏ nhà đi không hẳn là chỉ do xung đột với người thân trong gia đình mà còn có lý do khác. Ở lứa tuổi mới lớn, đang phát triển, nhiều đứa trẻ muốn phiêu lưu, mạo hiểm, muốn khám phá một vấn đề gì đó của xã hội và cần “bí mật” để tạo “bất ngờ” nên đứa trẻ sẽ bỏ đi hoặc rủ thêm bạn bỏ đi.
Hoặc cũng có khi, vì để đi trốn một sự thật nào đó mà đứa trẻ không có đường giải quyết, ví dụ như trẻ không thích học nhưng cứ bị ép học... Thậm chí, có đứa trẻ bỏ nhà đi chỉ để thử xem bố mẹ, cô giáo có phát hoảng lên không, có đi tìm mình không. Ngoài ra, có những trường hợp các em gái mới lớn, do chưa hiểu biết nên bị bạn trai dụ dỗ”.
Vị chuyên gia tâm lý nhấn mạnh: “Đó là đặc tính của trẻ mới lớn, chưa có kinh nghiệm về cuộc sống nên các bậc phụ huynh, thầy cô cần quan tâm giáo dục, phải để cho trẻ hiểu được hậu quả việc bỏ nhà đi sẽ như thế nào, ảnh hưởng đến cha mẹ như thế nào”.
Cũng trao đổi với PV ĐS&PL, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Trên thực tế, việc bỏ nhà đi xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là trẻ em, tức là dưới 16 tuổi. Thậm chí, nhiều gia đình rất có điều kiện kinh tế, chu cấp cho con đầy đủ về vật chất, nhưng con cái lại nghe theo lời dụ dỗ của đối tượng xấu mà bỏ nhà đi bụi, bỏ đi chơi. Hoặc có gia đình không hạnh phúc, bố mẹ thường xuyên cãi vã nhau, bạo hành nhau khiến trẻ cảm thấy chán nản nên bỏ đi.
Đặc biệt, có trường hợp các đối tượng xấu từng có tiền án, tiền sự “nhắm” vào con cái của những gia đình có điều kiện về kinh tế nhưng buông lỏng quản lý con cái, để lôi kéo con cái họ sử dụng ma túy, rồi lợi dụng sai khiến, bắt ép đứa trẻ phải gọi điện về xin tiền bố mẹ, chu cấp cho chúng tiêu xài... Cũng có khi đứa trẻ xem trên mạng xã hội, thích điều gì đó và làm theo”.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, việc trẻ bỏ nhà đi sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro có thể xảy đến với các em. Vị luật sư nói: “Các cháu có thể bị nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe. Đặc biệt, có những cháu đang ngoan nhưng bị đối tượng xấu lôi kéo vào con đường cờ bạc, nghiện ngập, cho đến khi hết tiền tiêu sẽ nảy sinh các vấn đề phạm tội như móc túi, cướp giật, tiếp tay cho các đối tượng đi đòi nợ thuê.
Trẻ em nữ thì có thể bị lợi dụng về tình dục, khi các cháu bị rồi lại không dám về nhà nữa. Trên thực tế, có vụ án mà đối tượng xâm hại tình dục trẻ em xong còn đe dọa nạn nhân nếu không nghe theo lời thì sẽ đem “chuyện đó” kể cho mọi người hoặc tung “ảnh nóng” lên mạng. Do sự hiểu biết của nạn nhân còn “non nớt” nên cháu bé đã không dám về nhà... Như vậy, để thấy rằng, khi trẻ em bỏ nhà ra đi thì nguy hiểm luôn luôn cận kề với các cháu”.
“Các bậc phụ huynh đừng nghĩ chỉ cần cố gắng lo cho con no đủ về mặt vật chất, nhưng như thế chưa đủ, cần phải cho các cháu “no đủ” về mặt tinh thần. Mặc dù cuộc sống thì ai cũng phải lo nhiều việc, nhưng các bậc phụ huynh hãy cố gắng bớt thời gian để quan tâm, lắng nghe con cái, phát hiện khiếm khuyết, uốn nắn các cháu từ khi còn nhỏ, để các cháu dần hoàn thiện bản thân”, luật sư Bùi Đình Ứng nói.
Chí Công
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Ba (196)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhan-dien-1001-nguyen-nhan-khien-tre-bo-nha-di-bui-a548454.html