Tất cả 538 đại cử tri sẽ nhóm họp tại trụ sở các cơ quan lập pháp của các bang trên toàn nước Mỹ vào hôm nay để chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống. Sự kiện này sẽ giúp củng cố chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden và tạo ra “cú giáng mạnh” vào những nỗ lực thách thức pháp lý của ông Trump nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.
Tổng thống Trump đã thu hút sự chú ý đối với cuộc bỏ phiếu này trong những tuần gần đây bằng cách mời một số lượng lớn các lãnh đạo bang là thành viên của đảng Cộng hòa tới Nhà Trắng với hy vọng thuyết phục họ lựa chọn các đại cử tri của mình. Những nỗ lực của ông Trump dường như đã thất bại vì không có chính quyền bang nào có ý định thay thế đại cử tri của họ.
Liệu có đại cử tri bất tuân hay không?
Khi đại cử tri đoàn nhóm họp vào năm 2016, 306 người trong số này cam kết bỏ phiếu cho ông Trump và 232 người khác cam kết bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Kết thúc cuộc bỏ phiếu, ông Trump nhận được 304 phiếu đại cử tri còn bà Clinton có 227 phiếu. 7 đại cử tri đến từ các bang Hawaii, Texas và Washington đã “bất tuân” khi bỏ phiếu cho người không phải là ứng cử viên họ cam kết ủng hộ. Nhiều khả năng tình huống tương tự sẽ xảy ra trong năm 2020.
Để ngăn chặn tình trạng cử tri bất tuân, hồi đầu năm nay, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết cho phép các bang có thể trừng phạt hoặc loại bỏ những đại cử tri cố tình thay đổi lá phiếu của họ. Khoảng 32 bang và Washington D.C. cũng có luật lệ yêu cầu các đại cử tri phải bỏ phiếu theo cam kết. Tuy nhiên tại những bang không có luật này, các đại cử tri vẫn có thể thay đổi phiếu bầu.
Trước đó, đội ngũ tranh cử của ông Trump và ông Biden đã nỗ lực đưa những nhân vật tận tụy với các đảng phái của họ trở thành đại cử tri với hy vọng họ sẽ giữ vững lòng trung thành. Ông Van Johnson, thị trưởng thành phố Savannah – một trong số 16 đại cử tri thuộc đảng Dân chủ của bang Georgia nói rằng ông không muốn thấy bất cứ đại cử tri nào đi ngược lại cam kết tại bang này.
Tuy nhiên, ông Julian Zelizer, giáo sư lịch sử chính trị tại Đại học Princeton, cho rằng, vẫn có khả năng một số đại cử tri sẽ phá bỏ cam kết của họ. “Có thể chúng ta sẽ chứng kiến một vài trường hợp. Với những cáo buộc gian lận bầu cử mà Tổng thống Trump đưa ra và sự trung thành tuyệt đối với một đảng phái, điều này có thể xảy ra. Nhưng như những gì chúng ta đã thấy, hầu hết giới chính trị đã không tiếp bước tổng thống Trump”.
Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra một cách khác biệt?
Cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn năm nay nhiều khả năng sẽ khác biệt hơn so với những năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Cuộc họp của các đại cử tri sẽ không diễn ra ở cùng một địa điểm. Theo thông lệ, các đại cử tri tại mỗi bang sẽ nhóm họp tại trụ sở cơ quan lập pháp của bang đó để bỏ phiếu, tuy nhiên, những quy định về phòng chống dịch Covid-19 của các bang có thể tác động đến thông lệ này.
Tại New York, các đại cử tri sẽ có mặt tại tòa nhà quốc hội ở thủ phủ Albany do luật bầu cử yêu cầu họ phải trực tiếp tham gia bỏ phiếu. Tại Georgia, các đại cử tri cũng nhóm họp trực tiếp tại trụ sở cơ quan lập pháp của bang này, nhưng họ phải tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch. Thị trưởng thành phố Savannah, ông Van Johnson – một đại cử tri cho biết: “Tôi khá hài lòng với những biện pháp nhằm đảm bảo an toàn, chẳng hạn như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay. Tôi nhận ra rằng chúng ta có thể giành được rất nhiều thứ nếu chúng tôi tuân theo những quy định đó”.
Ông Trump sẽ làm gì khi kết quả ngã ngũ trong cuộc bầu cử đại cử tri đoàn?
Cuộc bỏ phiếu của đại cử tri nhiều khả năng sẽ thu hẹp cơ hội của Tổng thống Trump và đội ngũ pháp lý của ông trong việc đảo ngược kết quả bầu cử, nhưng ông Trump sẽ không chịu lùi bước và có thể tiếp tục thúc đẩy các cáo buộc gian lận bầu cử trên diện rộng. Trong tuần qua, ông Trump đã liên tiếp sử dụng trang cá nhân Twitter để đăng tải những cáo buộc này và ông được cho là sẽ tiếp tục động thái đó trong ngày hôm nay.
Nỗ lực của Donald Trump sẽ được tiếp sức khi hàng nghìn người có kế hoạch tập trung tại Washing vào cuối tuần này để ủng hộ ông đảo ngược kết quả bầu cử.
Trước đó ngày 26/11, ông Trump tuyên bố sẽ rời Nhà Trắng nếu cử tri đoàn bầu ông Joe Biden làm tổng thống kế nhiệm, song nhấn mạnh rằng ông sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử. “Đây là điều rất khó thừa nhận vì chúng tôi biết rằng đã xảy ra sự gian lận bầu cử trên diện rộng”.
Tuy nhiên, cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, bà Jenna Ellis cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tuần qua rằng, họ sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý cho đến ngày 6/1 – thời điểm Quốc hội chính thức công nhận kết quả của đại cử tri đoàn.
Cuộc bỏ phiếu của đại cử tri năm nay sẽ nhận được sự chú ý nhiều hơn các năm khác?
Những cáo buộc về gian lận bầu cử mà Tổng thống Trump đưa ra cùng một loạt vụ kiện pháp lý của ông đã khiến cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn nhận được nhiều sự chú ý hơn bình thường.
Các chuyên gia cho biết, thời điểm gần đây nhất mà cuộc bỏ phiếu đại cử tri nhận được nhiều sự quan tâm như vậy là vào năm 2000 – khi mà cuộc bầu cử giữa hai ứng viên George W. Bush của đảng Cộng hòa và Al Gore của đảng Dân chủ đối mặt với một loạt thách thức pháp lý.
Hàng nghìn người ủng hộ tổng thống Trump sẽ tổ chức biểu tình tại Washington vào cuối tuần này để ủng hộ các cáo buộc của ông. Trong khi đó, nuan chức tại một số bang, chẳng hạn như Georgia đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ những người cho rằng tình trạng giân lận bầu cử đã diễn ra.
Cuộc bỏ phiếu sẽ kết thúc giai đoạn sóng gió hậu bầu cử?
Cuộc bỏ phiếu này sẽ giúp củng cố vị thế của ông Biden với tư cách là tổng thống đắc cử nhưng ông Trump và các đồng minh vẫn chưa chịu thừa nhận thất bại.
Đội ngũ tranh cử của ông Trump cho biết họ có kế hoạch tiếp đẩy mạnh nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử trong những tuần tới. Trước đó, các luật sư của tổng thống đã lập luận rằng thời hạn “safe harbor” (bến cảng an toàn-ND) vào ngày 8/12 - ngày đánh dấu thời điểm các bang hoàn thành danh sách đại cử tri sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống và giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến bầu cử, không có tác động thực tế đến các vụ kiện của tổng thống. Các luật sư này lưu ý những thách thức pháp lý kéo dài sau ngày 8/12 “không phải là điều chưa từng có tiền lệ đối với cuộc bầu cử.”
Các luật sư cho biết thêm “ngày có ý nghĩa cuối cùng là ngày 6/1, khi Quốc hội kiểm phiếu và chứng nhận các phiếu bầu của Cử tri đoàn” và “ngày ấn định duy nhất trong Hiến pháp Mỹ là lễ nhậm chức của tổng thống vào trưa 20/1,” họ nói.
Trong tuần qua, Texas đã nộp đơn kiện lên Tòa án Tối cao đòi hủy bỏ kết quả bầu cử tại Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Nỗ lực của Texas đã nhận được sự ủng hộ của 17 bang khác.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/mot-so-dieu-dang-chu-y-trong-cuoc-bo-phieu-dai-cu-tri-quyet-dinh-so-phan-ong-trump-a548481.html