Sai lầm chết người khiến trẻ nhỏ, người già nhập viện ồ ạt khi rét đậm

Trời rét đậm khiến nhiều trẻ nhỏ và người cao tuổi phải vào viện vì bệnh đường hô hấp, tim mạch, huyết áp, đặc biệt là viêm phổi và đột quỵ.

Mỗi ngày có hàng trăm trẻ, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi, đến phòng khám nhi hoặc khoa nhi các bệnh viện khám với các triệu chứng như sốt, ho, khò khè, khó thở, sổ mũi... Nguyên nhân do nhiễm virus ở đường hô hấp trên, một vài trường hợp do vi khuẩn hoặc do dị ứng (hen) gây ra.

Những nguyên nhân này làm sưng nề cuốn mũi gây ngạt, chảy mũi, làm nề thanh quản gây ho, khò khè, khàn tiếng; làm sưng nề đường thở gây các triệu chứng khó thở. Đặc biệt, ở trẻ em, phản xạ thở miệng chưa có, đường thở từ mũi xuống phổi còn hẹp nên chỉ cần hơi phù nề đã có thể gây ngạt mũi, khó thở trầm trọng. Vì thế, cần phải đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Để phòng tránh bệnh cho trẻ khi trời lạnh, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai), nhấn mạnh, trẻ nhỏ, nhất là với trẻ sơ sinh, cần được giữ đủ ấm miệng, mũi, cổ và chân. Vấn đề chăm sóc dinh dưỡng, tiêm chủng, rửa tay sạch sẽ cho trẻ luôn phải được quan tâm. Khi trẻ bị ho kéo dài, cần đưa trẻ đến phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ can thiệp, không nên tự điều trị tại nhà. Nhiều trường hợp trẻ nhiễm virus nhưng người lớn tự ý cho dùng kháng sinh khiến bệnh không đỡ mà còn nặng lên vì không được điều trị đúng cách. Ngoài ra, cần chú ý không ủ ấm trẻ quá mức khiến mồ hôi túa ra, ngấm ngược vào người, dễ gây viêm phổi.

Điều dưỡng chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp tại bệnh viện Nhi T.Ư Ảnh: Th.Hà

PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc bệnh viên Nhi Trung ương, cho biết, cần theo dõi các triệu chứng nặng và nguy hiểm cho trẻ như sốt cao, li bì, co giật, tinh thần kém hoặc không tỉnh táo; khó thở, thở bất thường; rối loạn tiêu hóa nặng. Khi có các triệu chứng trên, cần đưa trẻ nhập viện ngay. Thời tiết lạnh là những lúc nhiều bệnh về đường hô hấp xuất hiện, nhất là ở các tỉnh miền Bắc.

Vì thế, cần giữ gìn sức khỏe cho trẻ đúng cách. Triệu chứng bệnh thường rầm rộ và dễ diễn biến xấu, vì thế, tốt nhất nên đưa trẻ đi khám sớm để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng. Điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ đưa ra. Theo dõi và chăm sóc trẻ thật tốt. Bình tĩnh, không quá lo lắng và căng thẳng. Đa số trẻ em bị ốm vào mùa này, nhưng chỉ cần điều trị đúng, trẻ sẽ sớm bình phục.

Những sai lầm người cao tuổi thường mắc

Không chỉ trẻ em, người lớn, người cao tuổi mắc các bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng nhập viện nhiều hơn. Các bác sĩ cảnh báo, nhiều bệnh nhân chủ quan cho rằng, bệnh huyết áp chỉ cần điều trị một đợt là ổn định, nên đã không uống thuốc đều và đủ, dẫn đến đột quỵ khi thời tiết rét đậm. Hoặc có bệnh nhân bị tăng huyết áp đột ngột vì rét đậm, nhưng lại tưởng nhầm là trúng gió, dẫn đến nhập viện muộn và bị tai biến mạch máu não.

Trời lạnh đột ngột dễ gây co thắt mạch toàn bộ cơ thể, huyết áp tăng cao, dẫn đến biến chứng nguy hiểm là nguyên nhân để một số bệnh về tim mạch có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là tỷ lệ tai biến mạch máu não. Thực tế cho thấy, những ngày thời tiết lạnh kéo dài, số lượng bệnh nhân nhập viện luôn tăng, vì biến chứng của tăng huyết áp, trong đó có bệnh nhân biến chứng nặng như đột quỵ, phình mạch máu não, tắc mạch máu não gây hôn mê.

Vì thế, các chuyên gia lão khoa khuyến cáo người cao tuổi cần chú ý ăn uống đủ chất, không nên tập thể dục vào tối và sáng sớm trong những ngày rét đậm. Đặc biệt, tránh ra ngoài trời lạnh hay đột ngột từ phòng ấm ra ngoài trời lạnh, vì chênh lệch nhiệt độ đột ngột dễ khiến người cao tuổi ngã bệnh. Những người có bệnh mạn tính, huyết áp, cần sử dụng thuốc hằng ngày và đo huyết áp thường xuyên.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/sai-lam-chet-nguoi-khien-tre-nho-nguoi-gia-nhap-vien-o-at-khi-ret-dam-a548558.html