Thời gian qua, rất nhiều vụ án được phát hiện mà nạn nhân là trẻ em hoặc người chưa thành niên bị các đối tượng quen qua mạng xã hội lừa đảo, lạm dụng tình dục… khiến các bậc phụ huynh lo lắng, dư luận xã hội cũng bức xúc. PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn – chuyên gia tội phạm học xung quanh vấn đề này.
Theo ông, vì sao hiện nay, tội phạm thường nhắm đến mục tiêu là trẻ em hoặc người chưa thành niên thông qua việc tiếp cận làm quen trên mạng xã hội?
Đại tá, TS. Đỗ Cảnh Thìn: Hoạt động của mạng xã hội cũng như internet hiện nay đã xuất hiện trên mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, nó có sức lan truyền rất nhanh. Ở đây không chỉ là xã hội thu nhỏ mà còn là xã hội lan rộng, mọi điều tốt – xấu đều có thể xuất hiện, lan truyền trên mạng xã hội. Vì vậy, các loại tội phạm luôn luôn lợi dụng sự tiện ích của công nghệ để nhằm phục vụ mục đích phạm tội của mình.
“Con mồi” mà các đối tượng phạm tội thường nhắm đến là trẻ em hoặc người chưa thành niên. Đây là những trường hợp dễ bị dụ dỗ, dễ bị lừa nhất, dễ bị ép buộc, khống chế nhất. Trẻ em và người chưa thành niên chưa có trải nghiệm cuộc sống, còn non nớt mơ hồ, tò mò muốn tìm hiểu khám phá bản thân, nhưng lại chưa đủ bản lĩnh để tự bảo vệ mình, cho nên dễ bị dụ dỗ, đe dọa. Nhóm đối tượng này dễ bị tổn thương nhất.
Ban đầu, bằng cách này cách kia, các đối tượng xấu thường kết nối với “con mồi” của mình thông qua nick name trên mạng hoặc thông qua người thứ ba. Nhiều cháu tự nguyện tham gia kết bạn với những người không quen biết, tiết lộ thông tin cá nhân khiến các đối tượng dễ dàng tiếp cận. Bọn chúng dùng tên giả, hình ảnh giả và tự giới thiệu nghề nghiệp, cũng cuộc sống vương giả để “con mồi” coi mình như thần tượng, từ đó nương tựa tinh thần, đi theo hoặc nghe theo lời dụ dỗ.
Ông có thể điểm tên các chiêu trò của tội phạm lạm dụng, lừa đảo trẻ em thông qua mạng xã hội?
Đại tá, TS. Đỗ Cảnh Thìn: Sau khi tiếp cận được với “mục tiêu”, các đối tượng sẽ sử dụng nhiều chiêu rất tinh vi, ngọt nhạt cũng có, kích thích sự tò mò cũng có, đưa ra mồi nhử về vật chất, về tinh thần, về tình cảm. Cho đến lúc “con mồi” sập bẫy thì các đối tượng lộ bộ mặt thật của mình ra.
Mục đích của các đối tượng một là chiếm đoạt tài sản, hai là thỏa mãn vấn đề tình dục, ba là cũng có thể lôi kéo để các em tham gia vào các hoạt động buôn bán hàng cấm, các hoạt động tội phạm, bốn là nhằm mua bán người.
Khi các cháu không nghe theo lời của bọn chúng thì chúng sẽ khống chế, sử dụng những thông tin bí mật cá nhân của các cháu hoặc những nỗi lo sợ của các cháu đối với cha mẹ, thầy cô để đe dọa các cháu phải làm theo sự sai bảo của các đối tượng.
Trên đây là các cách thức mà tội phạm thường sử dụng và đặc biệt, đối tượng là nạn nhân thì càng ngày càng nhỏ tuổi, đa dạng. Bởi vì, hiện nay các cháu tiếp xúc với mạng xã hội, với thiết bị điện tử thông minh từ rất sớm. Khi các vụ việc bị xâm hại xảy ra thì để lại cho các cháu tổn thương rất lớn cả về mặt tinh thần, về mặt thể chất, gây bức xúc trong dư luận xã hội và sự lo lắng trong các gia đình.
Khi các cháu bị khống chế nhưng không dám nói với người thân dẫn đến hậu quả càng nghiêm trọng hơn. Theo ông, cần trang bị cho các cháu kiến thức như thế nào để các cháu có thể tự bảo vệ mình?
Đại tá, TS. Đỗ Cảnh Thìn: Việc giáo dục, quản lý của gia đình là hết sức quan trọng. Các cháu sống trong môi trường gia đình là chính. Các bậc cha mẹ, anh chị trong gia đình cần gần gũi các cháu, có phương pháp quản lý các cháu cho phù hợp với lứa tuổi, để các cháu không sa vào các “cạm bẫy”. Giúp các cháu tham gia vào các hoạt động học tập, vui chơi lành mạnh.
Phải có một số nguyên tắc cho các cháu khi sử dụng mạng xã hội, có cảnh báo cho các cháu biết về thủ đoạn của tội phạm và sự lằn ranh giữa việc sử dụng mạng xã hội lành mạnh – không lành mạnh để các cháu biết.
Cha mẹ luôn luôn gần gũi, làm bạn với các con để các con có thể chia sẻ, bộc bạch với người thân những suy nghĩ của mình, giúp các con giải quyết vấn đề, tránh để các con tự tìm tòi rồi trở thành miếng mồi cho tội phạm. Kỹ năng làm bạn với các con rất quan trọng, phụ huynh phải hết sức lưu ý. Trong câu chuyện hàng ngày, cần cảnh báo sớm cho các con biết về các tình huống có thể xảy ra khi các con làm quen với người lạ trên mạng xã hội, khuyên các con không được làm theo những gì… đừng để khi phát hiện ra đã quá muộn.
Nhà trường cũng cần tuyên truyền, cảnh báo sớm cho các cháu biết về thủ đoạn, cách phòng ngừa đối tượng xấu trên mạng, thông qua các hoạt động ngoài giờ.
Xin cảm ơn ông!
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhan-dien-cac-chieu-lua-khien-tre-em-sap-bay-a548776.html