Cách trả lời câu hỏi: “Tại sao bạn nghỉ việc công ty cũ?”

“Tại sao bạn nghỉ việc công ty cũ?” chắc chắn sẽ là một câu hỏi không thể thiếu đến từ nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Có thể lý do của bạn khá tiêu cực: bạn bị sa thải, đồng nghiệp hoặc sếp khiến cuộc sống của bạn trở nên khốn khổ, môi trường làm việc không thân thiện, khối lượng công việc của bạn quá sức hoặc một số tác nhân gây căng thẳng khác đã tác động đến bạn.

Có thể, lý do của bạn tích cực hơn: gia đình bạn phải chuyển chỗ ở, bạn đã sẵn sàng cho một sự thay đổi nghề nghiệp hoặc một số lý do khác về phát triển bản thân. Dù thế nào, hãy sẵn sàng để trả lời câu hỏi này thật tinh tế và thuyết phục.

Tập trung vào giá trị mang đến cho nhà tuyển dụng

Những ứng viên từng gặp trục trặc trong lịch sử công việc rất dễ cảm thấy lo lắng. Họ sợ rằng đây là một “vết nhơ” khiến họ không thể tìm được việc mới vì nhà tuyển dụng có thể nghĩ họ không đủ khả năng và tâm huyết. Tuy nhiên, trong một thế giới hậu “Đại suy thoái”, nếu tất cả những ai có quá trình làm việc không hoàn hảo đều không thể được tuyển dụng, thì sẽ có sự thiếu hụt nhân tài rất lớn.

Chìa khóa để bạn có được công việc tiếp theo là tập trung vào cách bạn có thể tạo ra giá trị cho tổ chức dù là tìm việc làm kế toán TPHCM, Marketing hay nhân sự ở các thành phố khác. Đúng là bạn có thể sẽ phải xoa dịu nỗi lo của nhà tuyển dụng về lý do bạn rời bỏ công việc trước đây của mình sẽ lặp lại, nhưng đó chỉ là thứ yếu mà thôi.

Một câu trả lời ngắn gọn là tốt nhất

Đừng trình bày quá dài dòng khi trả lời câu hỏi này. Bạn nên đưa ra một câu trả lời rõ ràng, đơn giản, trong khoảng 4 câu. Hãy nhớ rằng câu trả lời của bạn càng dài, càng phức tạp, bạn có nhiều khả năng sẽ tạo ra nghi ngờ và khiến nhà tuyển dụng tập trung vào những điểm nhạy cảm, không hợp lý trong câu trả lời của bạn. Đây là một ví dụ bạn có thể học theo:

“Tôi thực sự thích làm việc tại công ty cũ với vai trò chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, khoảng nửa năm trước, một nhóm quản lý mới được điều tới, sắp xếp lại bộ phận của tôi và chuyển trách nhiệm của tôi. Tôi quyết định rời đi để có thể tập trung tìm kiếm một vị trí mà tôi có thể làm tốt nhất công việc của mình. Dựa trên những gì tôi đã học được cho đến nay, công việc tại công ty của anh/chị có thể sẽ phù hợp với tôi.”

Sự tự tin là không thể thiếu

Đối với một số ứng viên, chỉ cần nghĩ về những sự kiện dẫn đến việc bỏ việc, họ có thể cảm thấy thất vọng, tức giận, xấu hổ hoặc lo lắng. Đó là cảm xúc vô cùng bình thường. Tuy nhiên, trong buổi phỏng vấn, sự tự tin và tích cực trong lời nói của bạn cũng quan trọng như nội dung câu trả lời.

Hãy thoải mái tinh thần “chốt sổ” công việc cũ, thừa nhận sự can đảm bạn đã bỏ ra để thực hiện quyết định thật lớn đó là rời đi. Bây giờ, hãy tập trung vào lý do tại sao bạn lại hào hứng với những điều sắp tới và những cơ hội mà bạn có hiện tại mà công việc trước đây không có.

Hãy chuẩn bị sẵn sàng cho câu hỏi này

Một câu trả lời lủng củng, bối rối cho câu hỏi “Tại sao bạn nghỉ việc công ty cũ?” có thể khiến nhà tuyển dụng gạch bạn khỏi danh sách. Vì vậy, hãy chuẩn bị thật tốt. Hãy dành thời gian để nghĩ xem bạn sẽ nói gì và thực hành câu trả lời đã được sửa chỉn chu. Cấu trúc câu trả lời của bạn có thể gồm 3 phần:

Giải thích hoàn cảnh của bản thân (không mang tính cá nhân hoặc tiêu cực);

Tóm tắt sự thay đổi đã thúc đẩy bạn bỏ việc (một lần nữa, không mang tính cá nhân hoặc tiêu cực);

Thể hiện sự nhiệt tình, hứng khởi đối với cho nơi tiếp theo bạn sẽ đến làm việc.

Câu trả lời tinh tế cho một số trường hợp

Nếu bạn muốn lương cao hơn:

“Trong hai năm làm việc tại công ty X, tôi đã có cơ hội phát triển một bộ kỹ năng vững chắc về phân tích dữ liệu và lập trình. Mặc dù đó là một trải nghiệm học tập tuyệt vời và tôi rất vui được đóng góp cho nhóm, nhưng tôi đã sẵn sàng để gia nhập một công ty coi trọng kỹ năng của tôi và cho phép tôi sử dụng chúng đầy đủ hơn.”

Nếu bạn không hài lòng với sếp:

“Tôi nhận thấy khả năng lãnh đạo nhóm của mình đang đi theo một hướng khác so với công ty, và tôi muốn làm việc trong một môi trường có thể cộng tác tốt hơn. Đó là một quyết định khá khó khăn vì tôi đánh giá cao sứ mệnh của công ty, nhưng cuối cùng tôi nghĩ đây là sự lựa chọn đúng đắn.”

Nếu bạn muốn được thăng tiến:

“Tôi đã sẵn sàng cho thử thách tiếp theo trong sự nghiệp của mình. Tôi yêu những người tôi đã làm việc cùng và những dự án tôi đã làm, nhưng tại một thời điểm nào đó, tôi nhận ra rằng mình không có nhiều cơ hội thử thách như trước đây. Thay vì để bản thân quá thoải mái, tôi quyết định theo đuổi một vị trí mà tôi có thể tiếp tục phát triển.”

Nếu công việc cũ của bạn nói chung là “tệ”:

Thay vì cố gắng làm cho công việc của bạn nghe có vẻ ít khủng khiếp hơn thực tế, hãy tập trung vào một hoặc hai điều đã thu hút bạn đến vị trí đó ban đầu, và rốt cuộc công việc đó có phù hợp không và bạn mong đợi điều gì ở một vai trò mới.

Bạn có để ý rằng tất cả các câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao bạn nghỉ việc công ty” cũ trên đây đều có ít nhất một điều tích cực về công việc cũ của bạn không? Thực tế là chúng ta sẽ không ghi được điểm nào khi “bóc mẽ” lại từng sai sót của công ty cũ. Vì vậy, hãy đi theo con đường tích cực và nhìn về tương lai. Chúc các bạn thành công!

 

Hà Phương

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cach-tra-loi-cau-hoi-tai-sao-ban-nghi-viec-cong-ty-cu-a548896.html