Sáng 26/12, bệnh viện quận Thủ Đức TP.HCM cho biết, đơn vị vừa cấp cứu bé trai N.M.K (4 tuổi) bị rắn lục tấn công trong lúc ra vườn nhà chơi. Bé K. được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bàn chân bầm tím, sưng phù từ mu bàn chân lan đến đầu gối.
Nhận biết đây là loại rắn lục đuôi đỏ, các bác sĩ nhanh chóng rửa vết thương, kháng sinh ngừa nhiễm trùng, tiêm phòng uốn ván và truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục. Hiện bé đã tỉnh, tiếp xúc tốt, tổn thương tại vết cắn ngưng diễn tiến, giảm sưng nề, đang tiếp tục truyền huyết thanh kháng nọc độc, theo dõi.
Vài ngày trước đó, bệnh viện cũng cấp cứu cho bà Đ.T.N. (49 tuổi) bị rắn lục đuôi đỏ tấn công trong lúc ra vườn trồng rau. Vết cắn làm bàn chân bà sưng phù, nóng, đau và sau đó bầm tím, sưng phù.
Theo BS Danh Xâm Bách - Khoa Cấp cứu, bệnh viện quận Thủ Đức, ở Việt Nam đa số thường gặp 2 họ rắn độc chính là họ rắn hổ và họ rắn lục. Vì vậy người nhà không nên săn tìm "hung thủ" mang theo đến bệnh viện vì sẽ mất thời gian chữa trị, gây nguy hiểm cho người bị nạn. "Người dân yên tâm vì các bác sĩ có thể dựa trên biểu hiện nhóm triệu chứng rắn cắn để nhận diện họ rắn nào, từ đó có hướng điều trị thích hợp nhất", BS Bách nhấn mạnh.
TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai cho rằng, ở Việt Nam rắn độc cắn là một trong những tai nạn thương tích phổ biến. Tại Trung tâm Chống độc, rắn cắn là một trong những ngộ độc hàng đầu. Do vậy, người dân phải hết sức cảnh giác để không bị rắn độc cắn.
Rắn độc tấn công người không chỉ ở vùng núi, hoặc nơi có cây cối rậm rạp mà còn ở ngoài tự nhiên nơi gần có người sinh sống. Chúng tôi từng theo chân các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn đi vào khu vực đường mòn biên giới, đây là khu vực có nhiều người qua lại và cũng là nơi rắn lục sinh sôi nhiều, sẵn sàng từ trên cây lao xuống tấn công người. Nếu bị rắn lục cắn ở khu vực này, việc vận chuyển được người bệnh tới cơ sở y tế cấp cứu sẽ mất nhiều thời gian, việc cứu chữa vì vậy cũng khó khăn hơn nhiều.
BS Nguyên khuyến cáo, hiện Việt Nam có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại lại có cơ chế gây độc khác nhau, nên tùy theo loại rắn độc mà chúng ta có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau.
BS. Nguyên nhấn mạnh, sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân khi bị rắn cắn là cứ loay hoay ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.
“Sau khi bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện điều trị thực sự (ví dụ cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu) để được xử lý kịp thời”, BS Nguyên nói. Khi bị rắn cắn phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, không được chậm trễ làm mất đi “thời gian vàng” cứu chữa cho người bệnh.
Để không bị rắn độc cắn, theo lời khuyên của bác sĩ, người dân không nên bước đi hoặc cho tay vào những nơi mà ta chưa quan sát được; không nên ngồi cạnh gốc cây, gò đống, bờ ruộng nơi có nhiều hang chuột, hang mối; không nên lật tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây bằng tay trần. Đối với những người hay bắt cua, ếch trong hang, không nên dùng tay, mà phải dùng que, móc, gậy để bắt. Không dùng tay bẻ cành, lấy củi trong đêm và không nên ngủ dưới đất (kể cả trên nền nhà), hoặc lều, lán sát mặt đất vì rắn hay lui tới những chỗ ấm.
Bảo Đăng (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhieu-nan-nhan-bi-ran-doc-tan-cong-trong-vuon-nha-a549064.html