Giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV
Quốc hội vừa chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Theo luật sửa đổi, người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV, thay vì đủ 16 tuổi trở lên như quy định hiện hành.
PGS, TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay.
Đối tượng này cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại hiện nay.
Theo ông Long, thực trạng trẻ em hiện đang phát triển hơn về thể chất, tâm sinh lý, dậy thì sớm và có quan hệ tình dục sớm: Theo thống kê của Tổng cục Dân số, tỷ lệ trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ngày càng gia tăng nhanh.
"Hằng năm, trung bình có 250.000 đến 300.000 ca nạo phá thai, trong đó 60%-70% là học sinh, sinh viên ở độ tuổi 15-19 tuổi, cá biệt có trường hợp mang thai ở tuổi 12-14 là tuổi dậy thì. Cũng theo báo cáo của bệnh viện Phụ sản Hà nội, tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở trẻ vị thành niên có thai cao hơn khá nhiều so với phụ nữ mang thai ở lứa tuổi lớn hơn", ông Long nói.
Bên cạnh đó, việc lây nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa. Thống kê của bộ Y tế cho thấy số trẻ em nhiễm HIV độ tuổi 15-16 được phát hiện năm 2019 tăng gần ba lần so với năm 2011. Có tình trạng quan hệ tình dục đồng giới nam trước tuổi 20. Thêm vào đó là tình trạng ma túy len lỏi vào trường học.
Cũng theo ông Long, rất ít trường hợp cha mẹ biết con có nguy cơ lây nhiễm để đưa con đi xét nghiệm. Trẻ em thường không dám thông báo cho bố mẹ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do có quan hệ tình dục không an toàn, cơ sở y tế không xét nghiệm HIV khi không được bố mẹ trẻ đồng ý, làm giảm cơ hội trẻ được xét nghiệm, phát hiện HIV sớm.
Cục trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh thêm, việc hạ độ tuổi trẻ được xét nghiệm tự nguyện cũng giúp trẻ em dễ tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV hơn, được phát hiện HIV sớm, điều trị sớm đảm bảo sức khỏe của trẻ, giảm lây nhiễm HIV cho người khác trong cộng đồng. Đồng thời cũng để bảo đảm quyền của trẻ em được gia đình bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người quy định trường hợp trẻ đủ 15 tuổi trở lên có kết quả xét nghiệm phát hiện HIV dương tính thì được thông báo đến cha mẹ hoặc người giám hộ để biết và kịp thời hỗ trợ, đưa trẻ đi điều trị.
Ưu tiên chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV/AIDS
Từ khi phát hiện trường hợp trẻ nhiễm HIV đầu tiên (năm 1994), công tác chăm sóc, điều trị HIV/AIDS cho trẻ tại cộng đồng và gia đình ở nước ta luôn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn những khó khăn cần khắc phục.
Theo thống kê của bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), tại Việt Nam, ước tính năm 2020, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là gần 230 nghìn người, đứng thứ 4 so với các nước khu vực Đông Nam Á.
Trong 8 tháng đầu năm, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.090 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong 1.392 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (45%) và 30 - 39 (31%).
Việc điều trị cho trẻ nhiễm HIV trong những năm qua đã có những kết quả nhất định.
Đến nay, đã có 70% số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được hỗ trợ đầy đủ các dịch vụ theo nhu cầu như: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, hưởng chính sách hỗ trợ, xét nghiệm, chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi.
Trước đây, tất cả trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV chỉ được xác định tình trạng nhiễm HIV khi đủ 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, việc chẩn đoán sớm HIV bằng xét nghiệm qua ADN cho phép phát hiện trẻ nhiễm HIV ngay trong thời kỳ sơ sinh.
Với phương pháp này, sẽ phát hiện vi-rút HIV ngay từ khi bào thai được 4-6 tuần tuổi. Việc chẩn đoán sớm HIV giúp giải tỏa tâm lý cho gia đình; đưa trẻ nhiễm HIV vào chương trình điều trị kịp thời, hạn chế đáng kể tình trạng tử vong, giảm chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Đặc biệt, khi trẻ được điều trị sớm sẽ làm giảm lượng vi-rút, hạn chế thấp nhất tình trạng lây nhiễm cho các trẻ khác trong cộng đồng.
Cùng với việc chăm sóc trẻ tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS, trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi vi-rút HIV cũng được quan tâm chăm sóc khi sống cùng gia đình, cộng đồng và tại các cơ sở bảo trợ.
Phó Cục trưởng cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, bộ LĐ-TB-XH Vũ Thị Kim Hoa cho biết: Trẻ em là đối tượng phải chịu nhiều hậu quả nặng nề do HIV/AIDS, làm hạn chế, mất đi những quyền cơ bản mà các em được hưởng.
Qua nghiên cứu rà soát các chính sách hiện hành về trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống. Các chính sách đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc quan tâm đối với những em thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Vẫn còn sự kỳ thị và phân biệt đối xử, đối với trẻ nhiễm HIV/AIDS, nhiều trẻ nhiễm HIV chưa được đến trường...
Còn thiếu các chính sách phòng ngừa HIV đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao như trẻ em sử dụng ma túy, trẻ sống trong các cơ sở trợ giúp, trẻ là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy...
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/so-tre-em-nhiem-hiv-do-tuoi-15-16-ngay-cang-gia-tang-a549125.html