Văn phòng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị số 1/TP-VPCP của Thủ tướng Chính phủ về kết luận Hội nghị trực tuyến đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ cộng tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và vấn đề việc làm, mức sống, điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ qua báo cáo, trong năm qua, nước ta đã thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trước bối cảnh quốc tế cũng như trong nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, có những yếu tố bất lợi chưa từng có như đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát làm ảnh hưởng đến rất nặng nề các lĩnh vực, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Trong nước, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập… Thời gian qua, giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực phối hợp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mỗi bên. Nhiều vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn được Chính phủ quan tâm giải quyết kịp thời.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, vấn đề việc làm bền vững, nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân lao động còn gặp một số khó khăn.
Cụ thể, năng suất lao động còn thấp, trình độ lao tay nghề còn thấp nên việc làm khó bền vững và thu nhập chưa cao. Lợi ích của một bộ phận công nhân được hưởng chưa xứng với thành tựu của công cuộc đổi mới và những đóng góp của chính mình.
Ngoài ra, việc làm và đời sống vật chất, tinh thần của công nhân tuy đã được cải thiện song vẫn còn không ít khó khăn, bức xúc, đặc biệt là ở bộ phận công nhân lao động giản đơn tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước…
Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao…
Thủ tướng giao cho bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm trong lĩnh vực lao động việc làm, tiền lương, bảo hiểm và thực hiện các chính sách đối với người lao động.
Đồng thời, bộ LĐ-TB&XH cũng được giao việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ để đề xuất, báo cáo Chính phủ trước Quý II năm 2021; Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu, kiến nghị về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng 2021 và việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ ngày 1/7 hàng năm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ giao bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, rà soát, xây dựng Thông tư hướng dẫn xác định danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thay thế Công văn số 2753/LĐTBXH-BHLĐ ngày 1/8/1995, hướng dẫn cụ thể một số trường hợp do tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất.
Tào Đạt
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/de-xuat-tang-luong-toi-thieu-vung-nam-2021-a549583.html