Từ một Iran bị o ép
Iran từng khẳng định chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tìm kiếm vũ khí hạt nhân, hoạt động hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích dân sự. Tuy nhiên, đáp lại việc Tổng thống Mỹ Trump rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran (JCPOA - Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung giữa Iran và 5 cường quốc thuộc Hội đồng Bảo an và Đức, đạt được năm 2015) vào tháng 5/2018 và tái áp dụng các lệnh trừng phạt, Tehran đã bắt đầu từng bước vi phạm các giới hạn.
Thỏa thuận Hạt nhân giới hạn kho dự trữ uranium làm giàu của Iran ở mức 202,8kg - con số nhỏ so với hơn 8 tấn mà Iran sở hữu trước khi có Thỏa thuận. Giới hạn đã bị phá vỡ vào năm ngoái - một báo cáo của IAEA tháng 11/2020 cho biết lượng dự trữ đang ở mức 2.442,9kg. Thỏa thuận Hạt nhân giới hạn độ tinh khiết phân hạch mà Iran có thể tinh chế uranium ở mức 3,67% - thấp hơn nhiều so với mức 20% trước khi đạt được Thỏa thuận và thấp hơn mức dùng làm vũ khí là 90%.
Iran đã vi phạm giới hạn 3,67% vào tháng 7/2019 và mức làm giàu vẫn ổn định ở 4,5% kể từ đó. Thỏa thuận Hạt nhân cho phép Iran sản xuất uranium làm giàu bằng cách sử dụng khoảng 5.000 máy ly tâm thế hệ đầu tiên IR-1 tại nhà máy Natanz dưới lòng đất của họ - cơ sở được xây dựng để có thể lắp đặt hơn 50.000 máy (Iran đã lắp đặt khoảng 19.000 máy ly tâm trước Thỏa thuận).
Iran có thể vận hành một số lượng nhỏ các máy tiên tiến hơn trên mặt đất mà không cần tích lũy uranium đã được làm giàu. Năm 2019, IAEA cho biết Iran đã bắt đầu làm giàu bằng các máy ly tâm tiên tiến tại một nhà máy thí điểm trên mặt đất ở Natanz. Kể từ đó, Iran bắt đầu di chuyển ba cụm máy ly tâm tiên tiến tới nhà máy dưới lòng đất. Tháng 11/2020, IAEA cho biết, Iran đã cung cấp nguyên liệu uranium hexafluoride dạng khí vào tầng đầu tiên trong số các tầng ngầm đó.
Nếu Iran tích lũy đủ vật liệu phân hạch, họ sẽ cần phải lắp ráp một quả bom và có thể là một quả đủ nhỏ để tên lửa đạn đạo của họ có thể mang. Không rõ chính xác sẽ mất bao lâu, nhưng tích trữ đủ nguyên liệu phân hạch được nhiều người coi là trở ngại lớn nhất trong việc sản xuất vũ khí. Có bằng chứng cho thấy Iran đã có được bản thiết kế vũ khí hạt nhân và thực hiện nhiều công việc liên quan đến việc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Mới nhất, đại diện chính thức của chính phủ Iran - Ali Rabia - thông báo bắt đầu công việc làm giàu uranium ở mức 20% tại nhà máy hạt nhân ở Fordow. Trước đó, Tehran đã phê chuẩn điều luật trước đó đã được cơ quan lập pháp của nước này thông qua về việc chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trong đó quy định làm giàu uranium ở mức 20%. Được biết, quá trình làm giàu từ mức 20% lên đến 90% có thể không quá khó với kỹ thuật hiện nay của Iran, dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần hoặc vài tháng (nghĩa là Iran thực sự đã công bố sản xuất uranium cấp vũ khí). Tài liệu này cũng xác định việc bắt đầu hoạt động tại đất nước của một thế hệ máy ly tâm mới - ít nhất 174 máy ly tâm IR-6 (số lượng của chúng được lên kế hoạch tăng lên 1.000 trong một năm), cũng như khoảng 1.000 máy ly tâm IR-2M.
Luật được thông qua ở Iran cũng quy định việc chính phủ không chấp hành thỏa thuận bổ sung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về xác minh sản xuất hạt nhân mở rộng trong trường hợp các bên không tuân thủ cam kết của thỏa thuận trong vòng hai tháng sau khi “luật có hiệu lực". Việc thông qua văn kiện đã được chuẩn bị trong một thời gian dài, nhưng liên quan đến vụ ám sát nhà vật lý hạt nhân Mohsen Fahridzadeh, Quốc hội Iran đã xem xét luật này một cách nhanh chóng.
Và một Thổ Nhĩ Kỳ đầy tham vọng
Năm 1980, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), ngăn chặn việc vũ khí hạt nhân rơi vào tay các nước khác ngoài “các siêu cường được công nhận” bao gồm Nga, Mỹ, Pháp, Anh và Trung Quốc là những nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân vào thời điểm Hiệp ước được ký kết năm 1968. Thế nhưng các thế lực khác như Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel đều được cho là đã phát triển và sở hữu loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
Là một thành viên của NATO kể từ năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm mối quan hệ với các thành viên còn lại trong khối trở nên căng thẳng khi tăng cường quan hệ với Nga. Ankara mới đây còn bất chấp lời cảnh báo của Washington để mua hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 của Moscow.
Còn nhớ, ngày 4/9/2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói rằng, việc những quốc gia có vũ khí hạt nhân mà ngăn cấm Ankara sở hữu nó là không thể chấp nhận được. "Một số quốc gia có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, họ bảo chúng tôi không thể sở hữu vũ khí như thế. Tôi không thể chấp nhận điều đó”, Erdogan nói trong cuộc họp của đảng cầm quyền AKP tại thành phố Sivas, miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ. "Không có quốc gia phát triển nào trên thế giới tồn tại mà không có vũ khí hạt nhân", nhà lãnh đạo Ankara nhấn mạnh, nhắc đến Israel một cách đầy ấn ý: "Chúng ta có láng giềng Israel luôn dọa nạt quốc gia khác bằng vũ khí hạt nhân. Không ai dám động đến Israel".
Theo trang topcor.ru, ngày 4/1/2021, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đang thảo luận ở cấp cao nhất về việc chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Ankara - điều khiến giới truyền thông Ấn Độ lo ngại.
Theo các chuyên gia của Zeenews, để thực hiện các kế hoạch địa chính trị của mình, Tổng thống Erdogan đã quan tâm tới vũ khí hạt nhân. Ngày 22-23/12/2020, một cuộc họp thường kỳ đã được tổ chức trong khuôn khổ Nhóm Đối thoại Quân sự Cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ-Pakistan (HLMDG), tại đó, ngoài hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, các sắc thái của việc trao đổi công nghệ hạt nhân và tên lửa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đã được thảo luận. Theo các nguồn tin, trong các cuộc đàm phán bí mật, Erdogan đã đích thân đề nghị Tổng tư lệnh quân đội Pakistan, Tướng Bajwa, chia sẻ công nghệ hạt nhân với Ankara và được phía Pakistan đồng ý.
Cũng theo Zeenews, Islamabad từ lâu đã tham gia vào hoạt động buôn bán trái phép công nghệ vũ khí hạt nhân và Ankara đang thúc đẩy hoạt động kinh doanh tội phạm này. Theo một số báo cáo, Thổ Nhĩ Kỳ có thể có một số lượng lớn các máy ly tâm hạt nhân được sản xuất tại Pakistan. Cuộc họp tiếp theo của HLMDG dự kiến vào năm 2021 và đại diện cả hai nước đều cam kết đạt được các mục tiêu nhất định vào thời điểm đó. Theo công bố, Erdogan coi lực lượng hạt nhân và tên lửa của Pakistan là công cụ quan trọng để hiện thực hóa khát vọng địa chiến lược của mình. Việc trao đổi song phương về công nghệ quốc phòng và thiết bị quân sự-công nghiệp sẽ khiến hòa bình trong khu vực trở nên mong manh và không ổn định./.
Theo VOV
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-dong-thai-hat-nhan-dang-lo-ngai-dau-nam-moi-2021-a549615.html