Những "di sản" nổi bật trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trong 4 năm nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump để lại ít nhất 4 "di sản" mà người kế nhiệm cần cân nhắc đến việc tiếp tục duy trì.

Nhìn lại khoảng thời gian trước đại dịch COVID-19, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng vững chắc và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, đặc biệt là đối với các nhóm dân số thiểu số. Không những vậy, ông Trump cùng đội ngũ của mình đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật mà có lẽ nước Mỹ sẽ không thể chối bỏ.

1, Cải cách thuế

Thành công lớn nhất của Tổng thống Donald Trump có lẽ là luật cải cách thuế. Các thành viên đảng Dân chủ đã phản đối đạo luật này cả trước và sau khi nó được thông qua vì cho rằng nó có lợi cho người giàu. Thực tế đã chứng minh cáo buộc đó là không đúng.

Nội dung chính cải cách thuế này là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%. Đó không phải là một lời ngụy biện cho các doanh nghiệp lớn, nó chỉ đơn giản là hạ mức thuế doanh nghiệp xuống ngang mức của hầu hết các nước trong Liên minh châu Âu (EU). Nói cách khác, nó làm cho thuế suất doanh nghiệp của Mỹ trở nên cạnh tranh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, người kế nhiệm nên giữ nguyên cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty

Thay đổi đó đã giúp Mỹ trở thành địa điểm hấp dẫn để đặt trụ sở công ty hoặc tái thiết lập trụ sở. Đó là một trong những lý do đằng sau việc một số công ty thông báo rằng họ sẽ quay trở lại Mỹ.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Biden đang vận động để đưa các công ty đa quốc gia trở lại Mỹ, nhưng ông cũng muốn tăng mức thuế thu nhập doanh nghiệp lên 28%. Điều này sẽ cản trở sự quay lại của các doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế, ông Biden nên để nguyên mức thuế hiện tại. Điều này sẽ giúp khởi động nền kinh tế Mỹ sau đại dịch và giúp ông Biden ghi điểm về một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.

2, Chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem

Với tư cách là một ứng cử viên Tổng thống Mỹ, ông Bill Clinton từng khẳng định rằng ông sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem nhưng ông đã không làm được. Điều tương tự cũng xảy ra với cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, nhưng với Tổng thống Donald Trump thì khác.

Mặc dù gây tranh cãi nhưng Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem đã chính thức khai trương vào ngày 14/5/2018 bất chấp sự phản đối từ Palestine và hàng loạt quốc gia trên thế giới. Tuy sự kiện này tác động không nhỏ đến tiến trình hòa bình Trung Đông những đây vẫn được coi là một dấu ấn lớn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.

Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem chính thức mở cửa ngày 14/5. Ảnh: Reuters.

Trong suốt 70 năm, chính sách chung của Mỹ là xoa dịu những bất bình của người Palestine. Với nước cờ này, dường như Mỹ muốn thử một cách tiếp cận mới khi coi “Israel là một quốc gia có chủ quyền và quyền tự chọn thủ đô cho chính mình”.

3, Hiệp ước Abraham

Chính quyền Tổng thống Trump đã nhìn thấy cơ hội ở một Trung Đông đang chuyển mình và đã tận dụng nó. Không thể đạt được tiến triển trong cuộc xung đột Israel-Palestine, ông Trump và các cố vấn chuyển trọng tâm sang phần còn lại của khu vực.

Việc ký kết Hiệp định Abraham hứa hẹn "mở ra bình minh của một Trung Đông mới". Ảnh: SIPA USA

Theo Tổng thống Trump, việc ký kết các Hiệp ước Abraham sẽ “thay đổi tiến trình lịch sử” và đánh dấu “bình minh của một Trung Đông mới”. Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain được thiết lập trước tiên rồi sau đó là chuỗi domino Sudan và Maroc lần lượt thông báo nối lại quan hệ với Israel, theo cách này hay cách khác. Dự báo, thời gian tới danh sách các quốc gia tham gia Hiệp ước Abraham sẽ còn tiếp tục nối dài.

Không thể phủ nhận rằng Hiệp ước Abraham là một trong những di sản nổi bật trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump.

4, Coi Trung Quốc là đối thủ chính

Năm 2022, Mỹ và Trung Quốc sẽ kỉ niệm 50 năm chuyến thăm Trung Quốc của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger, dẫn đến việc mở cửa quan hệ giữa hai nước. Thời điểm đó, Trung Quốc muốn mở cánh cửa với Mỹ để thúc đẩy nền kinh tế nghèo khó của mình.

Nhưng Trung Quốc ngày nay về cơ bản đã khác, đặc biệt là kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013. Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, ông Trump đã coi Trung Quốc là đối thủ chính của Mỹ. Bởi lẽ đó mà cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump ngày càng trở nên gay gắt.

Ông Trump đã thực hiện nhiều chính sách đối ngoại với Trung Quốc. Ảnh minh họa

Tại thời điểm này, tương lai của quan hệ Mỹ-Trung dưới chính quyền ông Biden vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, rõ ràng là ông Biden sẽ không thể coi nhẹ yếu tố Trung Quốc trong bối cảnh mới khi mà Trung Quốc giờ đây đã rất khác so với thời ông Biden là cựu Phó Tổng thống của chính quyền Barack Obama.

Tào Đạt (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-di-san-noi-bat-trong-nhiem-ky-cua-tong-thong-my-donald-trump-a549752.html