Nghị định 130 'buộc' cán bộ phải kê khai tài sản trung thực

Nghị định 130 cho phép các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được xác minh ngẫu nhiên. Bất cứ người nào cũng có thể bị xác minh vào bất cứ lúc nào và không vì lý do gì.

Tất cả cán bộ công chức kể cả mới tuyển dụng đều phải kê khai tài sản thu nhập và sẽ hoàn thành trong quý I/2021. Ước tính số cán bộ công chức, viên chức phải kê khai tài sản thu nhập lần đầu có thể lên tới 4 triệu người. Câu hỏi được rất nhiều người đặt ra là hàng triệu bản kê khai này có bị cất ngăn tủ như trước đây mà không được xác minh tính trung thực khiến công cụ chống tham nhũng ngày càng trở nên hình thức. Viễn cảnh đáng buồn này được kỳ vọng sẽ không xảy ra với sự ra đời của Nghị định 130/2020/NĐ-CP (Nghị định 130) của Chính phủ về kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan tổ chức đơn vị. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 cho phép xác minh ngẫu nhiên bất cứ người nào và không vì lý do gì.

Nghị định 130 cho phép xác minh ngẫu nhiên các bản kê khai tài sản

Nghị định 130 có rất nhiều điểm mới để bảo đảm cho việc kiểm soát tài sản thu nhập thực chất hơn. Điểm mới đáng chú ý là đối tượng kê khai tài sản lần này vừa rộng vừa có trọng tâm. Trước kia, đối tượng kê khai chỉ là trưởng phòng cấp huyện trở lên thì nay, tất cả cán bộ công chức kể cả mới tuyển dụng đều phải kê khai; riêng viên chức thì từ cấp phó phòng. Như vậy, số lượng người phải kê khai rất lớn, nhưng điểm khác căn bản là trước kia năm nào cũng phải kê khai, còn bây giờ chỉ kê khai lần đầu và chỉ kê khai bổ sung khi tài sản tăng thêm 300 triệu đồng. Còn những người phải kê khai hàng năm là nhóm có nguy cơ tham nhũng cao.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM đánh giá rất cao việc Nghị định 130 liệt kê rõ những đối tượng phải kê khai tài sản hàng năm gồm 105 vị trí công việc, cán bộ công chức từ phó phòng trở lên, người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp và 13 ngạch công chức giữ nhiều quyền lực và dễ có cơ hội tham nhũng cần kiểm soát là thanh tra, kiểm sát viên, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên của đảng, kiểm soát thị trường, thẩm phán.

“Nghị định này đáp ứng được mong mỏi của rất nhiều người dân bởi khi một người có quyền lực, thì để kiểm soát quyền lực này, đặc biệt là tài sản của người đó, phải được công khai minh bạch. Trước đây chúng ta có quy định nhưng họ lách và đưa ra những vấn đề mà chúng ta không thể thực hiện được”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu thêm.

Nếu như trước đây, các bản kê khai tài sản được xác minh trong một số trường hợp như có khiếu nại tố cáo theo quy định của pháp luật về bầu cử và trong vài tình huống đặc biệt, thì Nghị định 130 cho phép các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập được xác minh ngẫu nhiên. Bất cứ người nào cũng có thể bị xác minh vào bất cứ lúc nào và không vì lý do gì.

Ông Nguyễn Mạnh Cường

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đây là hình thức rất hiệu quả để cảnh báo tất cả những người kê khai tài sản.

“Với quy định này luôn luôn đặt ra cho mọi cán bộ công chức phải có ý thức rằng mình phải kê khai tài sản thu nhập một cách trung thực. Nếu không trung thực sẽ bị kiểm tra, mà kiểm tra là vô tư. Các cán bộ cũng phải ủng hộ quy định này, nếu thực sự trung thực thì nghị định sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến mình”.

Việc lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh các bản kê khai tài sản sẽ được thực hiện bằng cách bốc thăm. Đại diện cơ quan kiểm tra đảng, mặt trận tổ quốc sẽ chứng kiến để bảo đảm minh bạch, khách quan và công bằng.

Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh vai trò của nhân dân giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ đảng viên ở nơi cư trú.

Theo ông, phải để nhân dân giám sát làm sao để người kê khai phải trung thực. Muốn thế, phải mất công, mặt trận tổ quốc phải phát động phong trào để toàn dân tham gia giám sát.

Cùng với việc xác minh ngẫu nhiên, Thanh tra Chính phủ sẽ có định hướng cho việc xây dựng kế hoạch xác minh. Khoảng 20% cơ quan trực thuộc sẽ thuộc diện xác minh đột xuất. Ví dụ, Thanh tra Chính phủ có 20 đầu mối thì mỗi năm xác minh 20%, tức là khoảng 4 cơ quan có nhiều vấn đề sẽ được đưa vào kế hoạch xác minh. Trong từng cơ quan, cố gắng xác minh được 10% số cán bộ công chức thuộc diện kê khai hàng năm. Cơ quan có khoảng 50 người thì 5 người được xác minh, và trong 10% này, phải có 1 người đứng đầu hay cấp phó của người đứng đầu.

Luật quy định có 8 cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, trong đó cơ quan thanh tra giữ vai trò quan trọng vì diện phải kê khai thuộc quyền kiểm soát của cơ quan này lớn nhất. Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản thu nhập từ giám đốc sở và tương đương trở lên; còn ở dưới là thanh tra tỉnh. Một số cơ quan khác cũng có trách nhiệm kiểm soát tài sản thu nhập như Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước, kể cả các tổ chức chính trị xã hội cũng sẽ kiểm soát tài sản thu nhập của những người thuộc quyền quản lý.

 

Ông Đinh Văn Minh

Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cho biết, điểm rất đáng lưu ý là các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập có quyền tự mình đi xác minh, có quyền yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin tài sản của cá nhân bị nghi ngờ, yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin biến động tài khoản, cơ quan quản lý nhà đất cung cấp dữ liệu về nhà đất. Việc này nhằm hạn chế tình trạng các bên liên quan lấy cớ bảo mật để né cung cấp thông tin.

“Không phải là cơ quan mới mà trong một số cơ quan sẽ có thêm nhiệm vụ rất quan trọng kiểm soát tài sản thu nhập. Cơ quan này đã thấy được những điều bất bình thường trong các bản kê khai. Và khi thấy được những bất bình thường thì cơ quan này có thể chủ động xác minh bước đầu. Muốn làm được như vậy thì phải chuyên tâm, chuyên nghiệp. Thứ hai là cơ quan này phải tổ chức hệ thống thông tin với các cơ quan quản lý khác, với các tổ chức khác. Ví dụ như thấy có nghi ngờ về chuyện xe cộ so với bản kê khai, cơ quan này có thể liên hệ với các cơ quan quản lý khác về phương tiện giao thông”, ông Minh thông tin thêm.

Nếu người kê khai bị kết luận không trung thực có thể sẽ bị cảnh cáo chứ không phải khiển trách như trước. Người vi phạm có thể bị hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Nếu đang được quy hoạch thì bị bỏ ra khỏi quy hoạch; đang ứng cử thì bị gạch tên khỏi danh sách ứng cử; đang được dự kiến bổ nhiệm thì sẽ không được bổ nhiệm. Đây được xem là những hình thức xử lý rất nghiêm khắc.

Nghị định 130 cũng quy định, nếu người kê khai tài sản không trung thực mà chủ động từ chức thì được xét miễn kỷ luật. Theo đại diện Thanh tra Chính phủ, đây không phải là “xí xóa” mà thể hiện tính nhân văn và coi trọng hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, không chỉ nhằm trừng phạt.

Hiện nay, việc kê khai tài sản vẫn còn hạn chế là chỉ kiểm soát được tài sản cán bộ công chức nên dễ dẫn đến tình trạng đứng tên người khác. Điều này Quốc hội cũng đã bàn rất nhiều với không ít ý kiến muốn mở rộng đối tượng kê khai, bao gồm cả vợ chồng con cái, cha mẹ, họ hàng. Về lâu dài, để việc kiểm soát tài sản thu nhập thực sự hiệu quả, chúng ta phải mở rộng việc kiểm soát ra toàn xã hội bằng các công cụ thuế chống rửa tiền và hạn chế chi tiêu tiền mặt.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nghi-dinh-130-buoc-can-bo-phai-ke-khai-tai-san-trung-thuc-a549842.html