Nhân chứng vụ máy bay Indonesia gặp nạn: "Phi cơ rơi xuống biển như tia chớp, tạo sóng cao 2 m"

Hendrik Mulyadi - một trong những nhân chứng vụ máy bay Indonesia gặp nạn cho biết:"Tôi nghe thấy một tiếng nổ rất lớn. Tôi nghĩ đó là một quả bom hoặc một trận sấm sét lớn. Sau đó, chúng tôi nhìn thấy con sóng lớn, cao khoảng 2 m."

Ngư dân Solihin nói với BBC rằng ông đã chứng kiến khoảnh khắc một chiếc máy bay rơi và nghe thấy ít nhất một tiếng nổ. "Máy bay lao xuống biển nhanh như một tia chớp và nổ tung trên mặt nước. Máy bay rất gần chỗ chúng tôi và các mảnh vụn kiểu như mảnh ván ép suýt va vào tàu chúng tôi", Solihin kể lại. 

“Chúng tôi nghe thấy tiếng nổ và nghĩ rằng đó là một quả bom hoặc một trận sóng thần vì sau đó chúng tôi đã nhìn thấy một cột nước lớn từ mặt nước. Trời mưa rất lớn và thời tiết thật tồi tệ nên rất khó để nhìn rõ xung quanh. Nhưng chúng tôi đã thấy tia nước và một làn sóng lớn sau âm thanh của vụ nổ. Chúng tôi đã rất sốc khi thấy các mảnh vỡ máy bay và nhiên liệu loang xung quanh tàu”, AP dẫn lời ngư dân Solihin cho biết thêm.

Solihin cho hay, thuyền trưởng của ông quyết định cho tàu quay về bờ sau đó.

Lực lượng cứu hộ Indonesia tìm kiếm mảnh vỡ máy bay Boeing 737. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, 3 ngư dân từ đảo Lancang nói với CNN rằng họ nghe thấy một tiếng nổ và chứng kiến một cơn sóng lớn đột ngột vào khoảng thời gian máy bay mất tích.

Hendrik Mulyadi nói với đài CNN: "Tôi nghe thấy một tiếng nổ rất lớn. Tôi nghĩ đó là một quả bom hoặc một trận sấm sét lớn. Sau đó, chúng tôi nhìn thấy con sóng lớn, cao khoảng 2 m, đánh vào thuyền của chúng tôi".

Máy bay chở khách Boeing 737 của hãng hàng không Sriwijawa Air đã mất tích ngoài khơi Jakarta hôm 9/1. Phi cơ chở 62 người này được cho là đã rơi từ độ cao 3.000 m không lâu sau khi cất cánh.

Người dân hòn đảo gần nơi phi cơ mất tích đã thu thập và cung cấp những mẫu vật được cho là mảnh vỡ máy bay cho hải quân Indonesia.

Được biết, máy bay khởi hành từ sân bay lúc 14h36 và mất tín hiệu với bộ kiểm soát không lưu lúc 14h40. Hơn 10 tàu cứu hộ và khu trục cùng thợ lặn của lực lượng hải quân Indonesia đã được huy động để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.

Vào sáng 10/1, lực lượng cứu hộ đã vớt các bộ phận thi thể, quần áo và mảnh kim loại lên từ biển Java. Giới chức Indonesia hy vọng có thể tìm thấy xác máy bay Boeing 737 mất tích sau khi thiết bị phát sóng sonar phát tín hiệu từ phi cơ.

"Những bộ phận thi thể và mảnh vỡ kim loại được đội tìm kiếm và cứu hộ (SAR) tìm thấy giữa đảo Lancang và đảo Laki", ông Bagus Puruhito từ Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia của Indonesia cho biết trong tuyên bố sáng 10/1.

Bộ trưởng Giao thông Indonesia Budi Karya Sumadi cho biết các nhà chức trách đang tổ chức các đợt tìm kiếm quy mô lớn sau khi xác định “vị trí có thể xảy ra vụ tai nạn”.

Cảnh sát trưởng Không quân Indonesia, Hadi Tjahjanto, cho biết các hạm tàu hải quân Rigel được trang bị phương tiện điều khiển từ xa đã phát hiện ra tín hiệu từ máy bay. Tín hiệu này có tọa độ từ lần liên lạc cuối cùng của các phi công trước khi máy bay mất tích.

"Chúng tôi đã lập tức triển khai các nhóm thợ lặn từ đơn vị tinh nhuệ của hải quân để xác định việc tìm kiếm nạn nhân", ông Tjahjanto nói.

Hơn 12 giờ sau khi chiếc máy bay Boeing do hãng hàng không Indonesia vận hành mất liên lạc, người ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân vụ tai nạn là gì.

Hãng sản xuất máy bay Boeing cho biết trong một thông cáo: "Chúng tôi đang hướng về phi hành đoàn, hành khách và thân nhân của họ. Chúng tôi đang liên hệ với hãng hàng không (Sriwijaya Air) và sẵn sàng hỗ trợ họ trong thời gian khó khăn này".

Các nhà chức trách đã thành lập hai trung tâm xử lý khủng hoảng, một ở sân bay và một ở cảng. Gia đình của những người trên máy bay đang mong mỏi tin tức của người thân.

Chủ tịch Jefferson Irwin Jauwena của Sriwijaya Air cho biết chiếc máy bay gặp nạn đã 26 năm tuổi và từng được sử dụng bởi các hãng hàng không ở Mỹ. Ông nói với các phóng viên hôm 9/1 rằng máy bay này trước đó đã bay đến Pontianak và thành phố Pangkal Pinang cùng ngày.

 

Bảo Đăng (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhan-chung-vu-may-bay-indonesia-gap-nan-phi-co-roi-xuong-bien-nhu-tia-chop-tao-song-cao-2-m-a549860.html