Chuyến thăm bí mật
Igor Kostyukov, người đứng đầu Cục Tình báo Quân đội Nga (GRU) mới đây tiết lộ, chuyến thăm năm ngoái của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Damascus được chuẩn bị hoàn toàn bí mật.
"Trong hoàn cảnh khó khăn đó, chúng tôi phải giữ bí mật tuyệt đối quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm. Điều đó có nghĩa là những người có liên quan đến kế hoạch rất hạn chế", ông Kostyukov nói trong một bộ phim tài liệu về chuyến thăm, được phát sóng bởi kênh truyền hình Rossiya 1 của Nga.
Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, giải thích rằng việc đề cao sự bí mật này được tham khảo từ tập quán xã hội và văn hóa phương Đông.
"Bất kỳ thông tin nào được chia sẻ sẽ được một nửa đất nước Syria biết đến chỉ sau khoảng 10 phút. Và tất cả những thông tin này sẽ được truyền qua điện thoại di động”, ông Gerasimov mô tả trong bộ phim tài liệu “No room for error. Christmas Visit to Damascus” (Không có chỗ cho sai lầm, Chuyến thăm Giáng sinh tới Damascus).
Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga cũng tiết lộ các bước quan trọng đã được thực hiện để ngăn chặn sự rò rỉ thông tin mật, theo Sputnik.
"Cách tốt nhất để tránh bị rò rỉ là gì? Tốt nhất là đừng nói về thông tin đó với họ. Vì vậy, chúng tôi phải làm việc trong chế độ bí mật", Gerasimov nói thêm.
Để giữ bí mật về chuyến thăm của ông Putin, đội ngũ lên kế hoạch đã tung tin đồn về chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.
"Chúng tôi tổ chức thực hiện tất cả những nhiệm vụ như vậy để đảm bảo an ninh cho chuyến thăm mà không tiết lộ ý nghĩa và mục tiêu của những hành động đó. Đầu tiên, chúng tôi tung tin đồn và tạo vỏ bọc rằng chính Bộ trưởng Quốc phòng đang đến thăm", Gerasimov nói thêm.
Trong khi đó, ông Kostyukov lưu ý rằng tình hình ở Syria vào thời điểm năm ngoái khá đáng lo ngại do các hoạt động đến từ các đối thủ của Damascus. "Vì vậy, tình hình ở cả nước và thủ đô, mặc dù có xu hướng cải thiện, nhưng vẫn gây ra những lo ngại nhất định", người đứng đầu GRU lưu ý.
Ông Gerasimov cho hay, việc chuẩn bị vẫn được giữ bí mật nhưng không bỏ qua các bước kiểm tra các tuyến đường di chuyển ở Damascus, rà phá bom mìn trên đường cũng như các tòa nhà lân cận và cử các chuyên gia phòng ngừa bức xạ, hóa học và sinh học đến kiểm tra.
Ưu tiên lợi ích Nga
Vào ngày 7/1/2020, Tổng thống Putin đã có chuyến công du tới Thủ đô Damascus của Syria, trong đó có chuyến thăm đến bộ chỉ huy của lực lượng Nga tại nước này. Nhà lãnh đạo Nga cũng có cuộc đàm phán với người đồng cấp Bashar Al-Assad, thăm Nhà thờ Mariamite ở Damascus và Nhà thờ Hồi giáo Umayyad.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm căng thẳng trong khu vực gia tăng khi đồng minh quân sự của Tổng thống Assad là Iran cho biết sẽ trả đũa Mỹ vì vụ ám sát tướng Qassem Soleimani trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Đồng minh của Mỹ là Israel - đã thực hiện hàng trăm cuộc không kích nhằm vào các lực lượng Iran và do Iran hậu thuẫn ở Syria - cũng đang trong tình trạng cảnh giác cao độ trước bất kỳ sự trả đũa nào xuất phát từ Syria và Lebanon.
Nhận định với Reuters, chuyên gia David Lesch cho biết: “Tôi nghĩ ông Putin ở đó để củng cố vị thế của Nga ở Syria và với cá nhân Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đặc biệt là khi vị thế của Iran đã bị suy yếu dần dần kể từ sau cái chết của tướng Soleimani”.
Chuyến đi trước đây của ông Putin tới Syria là vào năm 2017, khi ông đến thăm căn cứ không quân Hmeymim của Nga.
Theo truyền thông Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rằng khi đưa ra các quyết định liên quan đến Syria, ưu tiên của ông là phục vụ lợi ích của Nga.
"Khi đưa ra quyết định về đường đua Syria, tôi tính toán chủ yếu từ lợi ích của nhà nước Nga, chứ không phải từ cảm xúc hay thù hận", ông nêu rõ.
Trong bộ phim tài liệu, ông Putin chỉ ra rằng mối đe dọa khủng bố từ các khu vực do "các băng nhóm chuyên nghiệp" kiểm soát ở Syria vẫn tiếp diễn, ngay cả sau khi đã đánh bại chúng.
Nhắc lại về quyết định can thiệp quân sự vào Syria, Tổng thống Nga bày tỏ: “Vào thời điểm đó, chúng tôi cảm thấy rằng mối đe dọa khủng bố từ các vùng đất của Syria đang gia tăng, các băng nhóm nắm quyền kiểm soát hầu hết các vùng đất của Syria và củng cố sức mạnh trong nước”.
Vào tháng 9/2015, Nga bắt đầu can thiệp trên không vào Syria, sau khi Tổng thống Syria Bashar Al-Assad yêu cầu Moscow hỗ trợ quân sự chống lại phe đối lập.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lan-dau-cong-bo-he-lo-bi-mat-bat-ngo-ve-chuyen-tham-syria-cua-tong-thong-putin-a550001.html