Giới chức y tế Đức hôm qua (18/1) cho biết đã phát hiện một biến thể chưa được xác định của virus SARS-CoV-2 trong bệnh phẩm của 3 bệnh nhân tại một bệnh viện thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức. Các nhân viên phòng thí nghiệm đã phát hiện những điểm bất thường trong các bệnh phẩm nhờ sự trợ giúp của một thiết bị xét nghiệm đặc biệt. Theo đó, bước đầu xác nhận đây là một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, song vẫn chưa rõ những thuộc tính của biến thể này.
Các chuyên gia Đức đã ra cảnh báo khẩn cấp với Thủ tướng Merkel và các thủ hiến 16 bang về nguy cơ xuất phát từ các biến thể của virus SARS-CoV-2 mới. Những chuyên gia này cảnh báo, biến thể của virus tại Đức có thể khiến số ca lây nhiễm tăng mạnh hơn so với virus gốc, đồng thời kêu gọi thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt, tiêm chủng nhanh chóng và giải mã trình tự gen rộng rãi để xác định các biến thể của virus nhằm nhanh chóng giảm số ca lây nhiễm.
Phản ứng trước diễn biến mới, ông Steffen Seibert, người phát ngôn chính phủ Đức cho biết, nước này sẽ hành động ngay để ứng phó với các biến thể mới của virus: “Lý do là Thủ tướng và các Thủ hiến bang họp sớm hơn là do sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Đây là một nguy cơ và chúng ta cần phải giải quyết càng sớm càng tốt”.
Một biến thể virus SARS-CoV-2 đáng lo ngại, khác với biến thể tại Anh, cũng được tìm thấy trong ngày càng nhiều ổ dịch ở California, Mỹ, nơi tổng số ca mắc lên tới 3 triệu người. Các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu biến thể mới mang tên L452R có khả năng lây truyền cao hơn các chủng virus SARS-CoV-2 khác hay không. Tuy nhiên, giới chức y tế tại California cho biết, có sự hiện diện của biến thể virus SARS-CoV-2 trong một số vụ bùng phát lớn và cần phải được điều tra thêm.
Hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 cũng tiếp tục lan đến nhiều quốc gia khác. CH Séc và Marốc là những quốc gia mới nhất ghi nhận sự xuất hiện biến thể của virus SARS-CoV-2.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, hôm qua, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đang đàm phán với công ty dược phẩm Pfizer về việc đưa vaccine ngừa COVID-19 của hãng vào danh mục vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm đẩy nhanh tốc độ chia sẻ vaccine tới các nước nghèo.
Phát biểu tại cuộc họp báo, cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Bruce Aylward cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh việc triển khai vaccine thông qua cơ chế COVAX. Chúng tôi mong đợi và tin tưởng rằng, chương trình tiêm chủng theo cơ chế COVAX sẽ được triển khai tại các nước nghèo và nước thu nhập trung bình vào tháng 2 tới và chúng tôi đang làm mọi cách để chương trình này được tiến hành tại nhiều quốc gia nhất có thể”.
Hiện cuộc chạy đua phát triển vaccine COVID-19 toàn cầu ngày càng gia tăng sau khi nhiều quốc gia liên tiếp ghi nhận sự xuất hiện của các ca nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 mới bắt nguồn từ Anh và Nam Phi. Hiện có 236 loại vaccine đang được phát triển trên toàn thế giới, trong đó có 63 loại đang được thử nghiệm lâm sàng ở các quốc gia bao gồm: Đức, Trung Quốc, Nga, Anh và Mỹ.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xuat-hien-them-bien-the-sars-cov-2-cuoc-chien-chong-covid-19-cang-cam-go-a550359.html