Chính phủ liên bang và chính quyền các bang ở Đức đã nhất trí kéo dài lệnh phong tỏa hiện nay tới ít nhất ngày 14/2 tới, đồng thời siết chặt thêm một số biện pháp phòng ngừa nhằm giảm số ca lây nhiễm trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều số ca nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tại cuộc họp trực tuyến kéo dài khoảng 7 giờ rưỡi giữa Thủ tướng Angela Merkel với các thủ hiến bang của Đức, chính quyền trung ương và các địa phương ở Đức đã nhất trí tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa và bổ sung một số biện pháp bắt buộc như phải sử dụng khẩu trang y tế (khẩu trang dành cho y tế hoặc khẩu trang theo chuẩn KN95/N95 hay FFP2).
Các loại khẩu trang y tế phải được sử dụng thay cho tất cả các loại khẩu trang thông thường khi đi phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt hoặc đi mua bán.
Tại những nơi công sở và các công ty, người buộc phải đi làm cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách.
Bên cạnh đó cũng cần giảm tiếp xúc khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cụ thể là giảm lượng hành khách để có thể đảm bảo giữ khoảng cách; áp dụng rộng rãi quy chế làm việc tại nhà; cân bằng lượng khách tham gia giao thông công cộng trong giờ cao điểm và có thể bổ sung phương tiện giao thông công cộng.
Với quyết định kéo dài lệnh phong tỏa, các trường học, nhà trẻ vẫn sẽ đóng cửa cho tới giữa tháng 2 tới. Nghị quyết cũng kêu gọi dân chúng trong 3 tuần tới hạn chế tối đa tất cả các cuộc tiếp xúc không cấp thiết và nên ở nhà, chỉ cho phép một hộ gia đình gặp gỡ tối đa một người ngoài.
Việc bảo vệ các cơ sở dưỡng lão có nghĩa nghĩa đặc biệt, trong đó yêu cầu các nhân viên tiếp xúc với người cao tuổi trong các viện dưỡng lão bắt buộc phải đeo khẩu trang FFP2, thực hiện xét nghiệm nhanh nhiều lần trong tuần với các nhân viên cũng như với những người vào các cơ sở này cho đến khi người cao tuổi được tiêm đủ 2 mũi vắcxin.
Cho đến nay, khoảng 50% số người cao tuổi ở các cơ sở dưỡng lão đã được tiêm chủng, mục tiêu chậm nhất tới giữa tháng 2 hoàn thành việc tiêm chủng cho tất cả cư dân ở các viện dưỡng lão.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị trực tuyến nêu trên, Thủ tướng Merkel bày tỏ tin tưởng Đức có thể giảm chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày xuống tối đa 50 ca nhiễm mới/100.000 dân vào giữa tháng 2 tới.
Theo bà Merkel, mối nguy cơ thực sự hiện nay nằm ở những biến thể mới có tốc độ lây nhiễm mạnh và việc có thể kiềm chế sớm các biến thể sẽ giúp đạt được mục tiêu về số ca nhiễm mới trong tháng tới.
Trước quy định bắt buộc đeo khẩu trang y tế, Hiệp hội Dược phẩm liên bang Đức (ABDA) cảnh báo nguy cơ tăng giá khẩu trang FFP2 khi nhu cầu về loại khẩu trang y tế này bất ngờ tăng mạnh, dẫn đến việc tăng giá khẩu trang trên thị trường.
Trong khi đó, trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều biến thể mới, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới (WMA) Frank Ulrich Montgomery cho rằng kế hoạch kéo dài phong tỏa 2 tuần mà chính quyền trung ương và các địa phương Đức đưa ra là "quá ngắn."
Ông kêu gọi gia hạn lệnh phong tỏa tới cuối tháng 2 và cho rằng sẽ khó có sự hợp tác của người dân hơn khi đưa ra một thời điểm kết thúc phong tỏa, sau đó lại tiếp tục gia hạn thêm.
Ông cũng kiến nghị cần trừng phạt các công ty từ chối cho nhân viên làm việc ở nhà dù họ có thể làm như vậy.
Số liệu từ các cơ quan y tế Đức tối 19/1 cho biết trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm gần 12.000 ca nhiễm mới với 1.163 ca tử vong. Hiện trên cả nước Đức đang có gần 290.000 người mắc COVID-19.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dich-covid-19-duc-siet-chat-keo-dai-lenh-phong-toa-den-giua-thang-2-a550374.html