Thời tiết thất thường là nguyên nhân gây bệnh
Chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 1/2021, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận tới 4.383 trẻ đến khám, trong đó có tới 1.452 bệnh nhi phải nhập viện. Trẻ chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa.
Chị Nguyễn Thị Hường, trú huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết: “Do thời tiết thất thường, ngày nóng, đêm lạnh, nên con gái tôi năm nay lên 3 tuổi bị nhiễm bệnh. Cháu nhập viện trong tình trạng ho, thở khò khè, sổ mũi, biếng ăn. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm tiểu phế quản nên phải nhập viện. Sau vài ngày điều trị, cháu đã thở dễ hơn, ăn uống tốt hơn”.
Theo các bác sĩ, những ngày vừa qua, lượng bệnh nhân đến khám phổ biến nhất ở trẻ em vào mùa đông - xuân là nhóm bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt, những trẻ đã có sẵn các bệnh mạn tính như: Viêm phế quản mạn, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, trẻ bị suy dinh dưỡng mạn tính, trẻ bị mắc các bệnh lý tim mạch bẩm sinh... thường bị mắc bệnh nặng hơn và dễ bị những biến chứng nặng nề so với những trẻ bình thường khác.
Bác sĩ CK II Bùi Anh Sơn - Trưởng khoa Hô hấp, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, một số tình huống cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay: Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 2 ngày mà vẫn không giảm; trẻ lừ đừ, ngủ li bì hoặc khó đánh thức; trẻ bú kém, trẻ bỏ bú hoặc bỏ ăn; trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, sau 2 ngày chăm sóc tích cực tại nhà vẫn không thuyên giảm kèm theo dấu hiệu thở nhanh, thở mệt hoặc khó thở; trẻ bị tiêu chảy đột ngột sốt rất cao 39 - 40 độ C, tiêu phân đàm nhớt hoặc phân có lẫn máu…
Đặc biệt, những trẻ này phụ huynh cần tích cực chăm sóc và chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng nhiễm bệnh của trẻ. Không chỉ các gia đình mới quan tâm đến biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng tránh bệnh cho trẻ, mà ở các các trường học cũng cần chủ động phối hợp với các cơ sở y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bác sĩ Trần Văn Cương - Phó Giám đốc bệnh viện Sản Nhi cho biết: “Lượng bệnh nhân nhi thời điểm này tăng cao là do sự thay đổi về độ ẩm, nhiệt độ, môi trường… Những yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, tiêu hóa của trẻ. Trẻ càng nhỏ thì bệnh diễn biến càng nhanh, nên việc điều trị thường mất thời gian và dễ tái phát”.
Theo vị Phó Giám đốc, để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ; cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt, trong thời gian trẻ mắc bệnh càng phải bổ sung thêm chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng; tiêm phòng đầy đủ; tránh cho trẻ đến chỗ đông người, nhất là ra ngoài vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh như sốt, biếng ăn, ho nhiều, khó thở... gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám, tránh tự ý mua thuốc bên ngoài cho trẻ uống.
Bệnh nhân đột quỵ gia tăng
Trời chuyển lạnh sâu, rét đậm rét hại cũng đang là nguyên nhân khiến trung tâm Đột quỵ Nghệ An, bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An quá tải. Thời điểm này, Trung tâm đang điều trị cho 103 bệnh nhân, trong khi thường ngày số bệnh nhân ở đây rơi vào khoảng 80-85 người.
Theo bác sĩ, tại trung tâm Đột Quỵ Nghệ An, đại đa số người bệnh là người cao tuổi. Nhập viện vào đây trong tình trạng bệnh nặng, mang theo nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, từng bị đột quỵ nay bị lại. Đợt này số bệnh nhân nhập viện tăng là do thời tiết lạnh khiến bệnh nhân bị thay đổi huyết áp đột ngột dẫn đến đột quỵ.
TS.Nguyễn Ngọc Hòa - Giám đốc trung tâm Đôt quỵ Nghệ An khuyến cáo, khi thời tiết lạnh, các mạch máu bị co lại, sẽ đẩy huyết áp tăng cao, dẫn đến nguy cơ nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là đột quỵ. Vì vậy ở người già, cần nhận biết dấu hiệu sớm của các bệnh để tránh tình trạng bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Với thời tiết rét đậm kéo dài, mọi người cần lưu ý để phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Người cao tuổi luôn mặc ấm, hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết. Tránh việc tiếp xúc lạnh đột ngột như tắm, ra khỏi nhà tập thể dục buổi sáng. Các nhà đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi nên được che kín để giữ nhiệt trong nhà, không nên mở toang cửa để khí lạnh lùa vào nhà.
“Khi phát hiện có một trong các dấu hiệu như: Miệng méo sang một bên, nói khó, tay chân một bên bị tê yếu... thì ngay lập tức đưa bệnh nhân vào bệnh viện mà không nên trì hoãn. Đừng dại dột chích máu đầu ngón tay và ngón chân để làm cho bệnh nhân đau đớn hơn và tăng nguy cơ nhiễm trùng”, bác sĩ Hòa nói.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhieu-tre-nho-nhap-vien-vi-ngay-nang-dem-ret-a550472.html