Lao động thử việc có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?

Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021, bổ sung thêm quy định người lao động thử việc được ký hợp đồng lao động.

Người lao động thử việc vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân trong một số trường hợp. Ảnh minh họa 

Lao động thử việc sẽ được ký hợp đồng lao động?

Từ năm 2021, người thử việc cũng sẽ được ký hợp đồng lao động. Đây là một điểm mới nổi bật của Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019.

Cụ thể, Điều 24 BLLĐ năm 2019 quy định:

Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

Theo đó, từ năm 2021, các bên có thể lựa chọn thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng thử việc.

Ngoài ra, theo quy định mới, thời gian thử việc đối với người lao động cũng có sự điều chỉnh tại Điều 25 BLLĐ năm 2019:

- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp;

- Không quá 60 ngày đối với công việc cần trình độ từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Trong thời gian này, người lao động sẽ được nhận ít nhất 85% lương của công việc đã thỏa thuận.

Trong thời gian thử việc có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?

Theo quy định tại Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết chỉ đề cập đến vấn đề đóng thuế TNCN của người lao động là cá nhân cư trú.

Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC đã liệt kê các loại thu nhập chịu thuế TNCN, trong đó có tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động. Do đó, tiền lương thử việc cũng được tính là khoản thu nhập chịu thuế TNCN.

Vì vậy, trước khi trả lương cho người lao động, người sử dụng lao động được phép trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư 111 như sau:

1. Khấu trừ thuế

...

b) Thu nhập từ tiền lương, tiền công

b.1) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần

i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác

Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân…

Như vậy, để biết được tiền lương thử việc có phải trích đóng thuế TNCN hay không, người lao động cần căn cứ vào các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Người lao động thử việc bằng cách ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên

Theo Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất. Khi đó, thuế TNCN của người lao động sẽ được tính theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.

Trong đó, thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản giảm trừ sau:

- Các khoản giảm trừ gia cảnh (với chính bản thân là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng theo Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 );

- Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện.

- Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Như vậy, người lao động chỉ phải nộp thuế TNCN khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công > 11 triệu đồng/tháng (nếu không có người phụ thuộc, nếu có 1 người phụ thuộc thì thu nhập phải > 15,4 triệu đồng/tháng).

Điều này đồng nghĩa với việc người lao động thử việc trong trường hợp này có thu nhập < 11 triệu/tháng (nếu không có người phụ thuộc) hoặc < 15,4 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) sẽ không phải đóng thuế TNCN.

Trường hợp 2: Người lao động ký hợp đồng thử việc hoặc thử việc với hợp đồng lao động dưới 3 tháng

Người lao động trong trường hợp này mà có tổng mức thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì doanh nghiệp thực hiện khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho người lao động.

Tuy nhiên, căn cứ điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, người lao động chỉ có duy nhất thu nhập nêu trên nhưng tổng mức thu nhập chịu thuế sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì có thể làm cam kết theo mẫu 02/CK-TNCN gửi người sử dụng lao động để không bị khấu trừ thuế. Đồng thời, người lao động còn phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.

Suy ra, có 2 trường hợp người lao động thử việc không phải đóng thuế TNCN:

- Người lao động thử việc nhưng ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên có thu nhập dưới 11 triệu/tháng (nếu không có người phụ thuộc) hoặc dưới 15,4 triệu đồng/tháng (nếu có 01 người phụ thuộc).

- Người lao động chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế và làm cam kết theo mẫu.

Kết luận: Người lao động thử việc không thuộc các trường hợp trên đều phải đóng thuế TNCN.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lao-dong-thu-viec-co-phai-dong-thue-thu-nhap-ca-nhan-khong-a550599.html