Nhiều người đổ xô đi chọn đào rừng trưng Tết

Những cành đào rừng được gắn tem "đổ bộ" đường phố Thủ đô, phục vụ nhu cầu của nhiều người dân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Những cành đào được trồng ở vùng núi (còn được gọi là đào rừng) được dán tem “Đào Vân Hồ” để xác nhận là đào trồng trong vườn của người dân chứ không phải đào rừng khai thác tự nhiên đã xuất hiện tại Hà Nội. 

Theo các thương lái, đào rừng có hai loại là đào rừng tự nhiên và đào rừng được người dân lấy giống trồng trên các đồi, vườn rừng. 

Theo các tiểu thương, đào được mua từ một hộ dân tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La). Ngay sau khi đào được khai thác, chính quyền đã phát cho chủ hộ lượng tem tương ứng để dán vào các cành đào thì mới lưu thông, buôn bán được.

Vài năm trở lại đây đào vùng cao được rất nhiều người dân ưa chuộng tìm mua bởi hoa đào to, chơi Tết được lâu hơn so với các loại khác. 

Một điểm khác so với các năm trước, đào rừng năm nay được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Hiện tại, UBND huyện Vân Hồ đã thống nhất và đưa vào sử dụng 2 mẫu tem. Mẫu tem này giúp để quảng bá và xác nhận đào trồng của huyện Vân Hồ, với số lượng khoảng hơn 10.000 nghìn tem, và tùy theo nhu cầu có thể sẽ phát hành thêm.

Trong ảnh là mẫu tem do UBND huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La in và cấp phát cho bà con. Được biết, việc gắn mã vạch truy xuất nguồn gốc đào trồng nằm trong kế hoạch thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hóa.

Các tiểu thương cho biết, với những cành đào nhỏ, giá giao động từ 500 nghìn – 5 triệu đồng, nhiều cây lâu năm có thế đẹp tự nhiên giá lên tới hàng chục triệu đồng.

Đào rừng mang xuống Hà Nội chủ yếu là loại đào phai, một số cành đã lác đác điểm một vài bông hoa như báo hiệu mùa xuân đang về.

Những nụ hoa nhỏ này sẽ nở đúng Tết Nguyên đán

 

Hoài Trang - Tào Đạt

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhieu-nguoi-do-xo-di-chon-dao-rung-trung-tet-a550652.html