Mới đây, trong chương trình Ký Ức Vui Vẻ, khi khơi gợi lại những kỷ niệm về Đường Lên Đỉnh Olympia, MC, nhà báo Lại Văn Sâm đã có những chia sẻ đầy thú vị về những ngày đầu khi xây dựng chương trình.
Theo đó, ông chính là người đã trực tiếp sang tận Hàn Quốc tham khảo mô hình làm truyền hình, sau đó ông đã cùng các cộng sự gửi format này đến tập đoàn LG để xin tài trợ.
Đến tháng 3/1999, sau những chuẩn bị kỹ lưỡng, số phát sóng đầu tiên của Đường Lên Đỉnh Olympia đã được gửi đến khán giả cả nước.
Bên cạnh đó, nhà báo Lại Văn Sâm còn lần đầu tiên tiết lộ sự thật đằng sau tên chính thức của chương trình trí tuệ này.
Cụ thể, theo vị nhà báo, ekip của chương trình đã phải mất nhiều thời gian đển tìm ra 1 cái tên phù hợp cho gameshow này, sau đó mọi người quyết định lấy cái tên "Đường Lên Đỉnh Olympia".
Tuy nhiên, ngay sau quyết định này, ông cùng các cộng sự đã nhận được sự phản kháng rất dữ dội từ báo giới. Lý do để cái tên nghe hay ho này bị phản đối đó là bởi vì giới báo chí cho rằng tên đúng phải là "Đường Lên Đỉnh Olympus". "Lên đỉnh" tức là "lên đỉnh núi" vậy thì trên thế giới chỉ có đỉnh Olympus mà không tồn tại đỉnh Olympia.
Được biết, Olympus là tên ngọn núi cao bậc nhất tại châu Âu, nằm giữa 2 miền Macedonia và Thessaly thuộc phía Bắc Hy Lạp. Còn Olympia thực chất là tên của một đồng bằng ở Elis, Hy Lạp và tên gọi của một thành phố thuộc tiểu bang Washington, Mỹ.
"Đây chỉ là tên của một chương trình, đôi khi cái tên này không nên hiểu theo nghĩa đen. Cũng như chúng ta có mặt trong chương trình Ký Ức Vui Vẻ nhưng vẫn có những ký ức rớt nước mắt. Nhưng chúng ta vẫn gọi vì ở trong đó bao gồm những cảm xúc khác nhau của mỗi người, đơn giản vậy thôi. Một số tên của chương trình hay của các bộ phim đôi khi chỉ là một cái tên gợi cho khán giả nhiều hướng suy nghĩ khác nhau, truyền tải được rất nhiều thông điệp khác nhau", nhà báo Lại Văn Sâm lý giải.
Kết thúc phần tâm sự của mình, nam MC tài hoa nhắn nhủ: "Chúng tôi chỉ muốn nói như vậy thôi, hoàn toàn không có gì thanh minh ở đây cả!"
Đường Lên Đỉnh Olympia là một trong những chương trình về kiến thức trên truyền hình dành cho học sinh THPT do bộ GD&ĐT và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây cũng là chương trình có tuổi đời dài nhất trong các trò chơi truyền hình của VTV3.
Trải qua 21 năm phát sóng, sân chơi trí tuệ này đã và đang thu hút được đông đảo khán giả ở mọi lứa tuổi.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nha-bao-lai-van-sam-chia-se-day-thu-vi-dang-sau-ten-duong-len-dinh-olympia-a550745.html