Tây Du Ký vốn là một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc. Trong đó, tác phẩm xoay quanh hành trình đi Tây Thiên lấy kinh của 4 thầy trò Đường Tăng. Một trong những nhân vật nổi bật và được yêu thích nhất trong Tây Du Ký chính là Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không. Thường xuyên xuất hiện với bản tính ngông nghênh, thái độ cao ngạo, không sợ trời không sợ đất, Tôn Ngộ Không đã làm ra biết bao chuyện tày đình như đại náo thiên cung, long cung, ngay cả khi gặp Ngọc Hoàng, thái độ vẫn huyênh hoang tự xưng: "Lão Tôn đây!"
Ấy vậy mà có một cặp yêu quái đã khiến Ngộ Không ngông nghênh là thế phải cúi đầu, thậm chí rơi lệ như một kẻ mềm yếu. Câu chuyện này xảy ra trên đường Ngộ Không phò tá Đương Tăng đi lấy kinh, trải qua kiếp nạn của Kim Giác đại vương và Ngân Giác đại vương.
Cụ thể, ban đầu, Ngân Giác đã biến thân thành một đạo sĩ bị thương đề dụ dỗ Đường Tăng. Với bản tính lương thiện, Đường Tăng nhanh chóng đề nghị giúp đỡ và yêu cầu Ngộ Không cõng vị đạo sĩ bị thương lên vai. Nào ngờ sau đó, Ngân Giác sử dụng phép thuật biến ra mấy ngọn núi đè lên vai Ngộ Không khiến Ngộ Không đau đớn bật cả máu rồi hắn bắt luôn Đường Tăng cùng 2 đồ đệ còn lại là Bát Giới và Sa Tăng về động.
Không chỉ sở hữu phép thuật biến hoá khôn lường và bản tính tinh ranh, Kim Giác và Ngân Giác còn có bên mình 5 đại bảo bối vô cùng lợi hại là Hồ lô hồng, Bình ngọc mỡ dê, Kiếm thất tinh, Quạt ba tiêu và Sợi dây kim tuyến. Điều này đã khiến Tề Thiên Đại Thánh vô cùng đau đầu trong việc nghĩ kế thoát thân và giải cứu sư phụ.
Sau đó, Tôn Ngộ Không đã bày kế lừa lấy cắp 2 bảo bối của Kim Giác - Ngân Giác là hồ lô và bình ngọc khiến 2 yêu quái vô cùng tức giận. Chúng đã quyết định cử người đi mời mẹ mình ở động Áp Long đến ăn thịt Đường Tăng và trừng phạt Ngộ Không. Biết vậy, Ngộ Không liền cải trang thành một tiểu yêu giúp việc cho Kim Giác - Ngân Giác đến động Áp Long tìm đại yêu quái này.
Khi đến động, Ngộ Không đã gây bất ngờ khi khóc lóc, sụt sùi bên ngoài mà không dám đi vào. Lý giải về điều này, các nhà phân tích cho rằng có thể do Ngộ Không nhớ tới Đường Tăng nên đã rơi lệ. Theo đó, tác phẩm viết lại rằng trong lòng Ngộ Không khi đó tự nhủ: “Ta đã trổ tài nghệ, biến thành tiểu yêu, đến mời nữ quái, không có lý gì cứ đứng sừng sững mà nói, nhất định phải dập đầu lạy mụ mới xong. Từ khi ta làm người là một trang hảo hán, chỉ biết lạy có ba người: Đó là lạy Phật tổ ở phương Tây, lạy Quan Âm ở Nam Hải và lạy sư phụ cứu ta ở núi Lưỡng Giới. Ta lạy thầy bốn lạy. Vì thầy mà gan ruột ta tan nát, ăn ở đến hết lòng. Một quyển kinh có giá trị gì mà hôm nay bắt ta phải lạy mụ yêu quái này nhỉ? Mà nếu không lạy, tất sẽ lộ chuyện. Khổ quá! Chỉ tại sư phụ bị khốn, nên ta mới nhục nhã thế này”.
Có thể thấy, Ngộ Không rơi nước mắt không phải do gã sợ sệt mà bởi tình cảm, tình thương mà Ngộ Không dành cho sư phụ mình. Thấy Ngộ Không thật tâm, đại yêu quái đã tin tưởng và không đề phòng nữa. Sau đó, Tôn Ngộ Không đã dùng gậy đánh chết đại yêu quái rồi phát hiện hoá ra bà ta chỉ là một con hồ ly. Tuy nhiên, để cứu mạng sư phụ, Ngộ Không cảm thấy một cái cúi đầu không phải vấn đề.
Theo đó, kiếp nạn Kim Giác - Ngân Giác đại vương đã đánh dấu những biến chuyển đầu tiên của Tôn Ngộ Không, từ con khỉ ngỗ ngược, không sợ trời không sợ đất trở thành yêu quái ôn hoà, biết suy nghĩ hơn.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tay-du-ky-yeu-quai-duy-nhat-khien-ton-ngo-khong-ngong-nghenh-cao-ngao-phai-cui-dau-a550752.html