Biến chủng COVID-19 “siêu lây nhiễm” nguy hiểm thế nào?

Chuyên gia y tế cho biết, virus biến thể “siêu lây nhiễm” có tốc độ lây lan rất nhanh. Vì vậy, người dân không được chủ quan song cũng không nên quá hoang mang.

Biến chủng mới tốc lây lan rất nhanh

Theo bộ Y tế, những trường hợp ở Hải Dương có liên quan đến một trường hợp được khẳng định tại Nhật Bản đã nhiễm chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” B.1.1.7. Tuy nhiên, để tìm ra căn nguyên đợt dịch này, các viện nghiên cứu và bệnh viện đang giải trình tự gene 2 bệnh nhân ghi nhận đầu tiên là BN 1552 (nữ công nhân công ty POYUN ở TP.Chí Linh, Hải Dương) và BN 1553 (nhân viên sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh).

Nói về biến chủng lần này, trao đổi với PV, TS.Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh có khả năng lây truyền mạnh hơn rất nhiều lần so với chủng virus trước đây. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy chúng có sự gia tăng độc lực.

Chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh có khả năng lây truyền mạnh hơn rất nhiều lần so với chủng virus trước đây.

“Chủng virus mới ở Anh có khả năng bám chặt vật chủ, khả năng nhiễm bệnh cũng như lây truyền sớm hơn dù người bệnh có tải lượng virus thấp. Theo các nghiên cứu, chủng mới của Anh tăng độc lực khoảng 30%, khả năng lây nhiễm cao hơn 70%. Khi chưa xác định được F0, thời gian từ ủ bệnh đến lúc phát hiện bệnh kéo dài, nguồn lây rộng hơn”, TS.Lê Quốc Hùng cho biết.

Nói về thời gian lây nhiễm bệnh, TS. Hùng cho hay, chủng SARS-CoV-2 trước đây mất 5 - 6 ngày để có khả năng lây bệnh, chủng mới tại Anh chỉ mất 3 ngày là hết vòng lây nhiễm. Những triệu chứng về bệnh cũng hết sức phổ biến. Theo đó, đa số có triệu chứng ho, mệt mỏi, đau cơ và đau họng. Vì vậy, việc truy vết nguồn lây là hết sức quan trọng và đòi hỏi sự cấp thiết nhanh chóng.

Khoanh vùng cấp thiết vùng tâm dịch

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cùng nhìn nhận, số người lây nhiễm được phát hiện nhiều nghĩa là virus đã tồn tại khá lâu trong cộng đồng.

“Trong tình hình hiện tại, chúng ta có thể thực hiện truy vết F0 nhưng tìm được thì tốt, không thì thôi. Vì nếu lặp lại kịch bản như đợt dịch tại Đà Nẵng, F0 có thể lây nhiễm cho nhiều người và đã khỏi bệnh. Lúc này, chúng ta xem tất cả bệnh nhân mắc mới là F0 và từ đó truy ra các F1, F2 và thậm chí là phải vây đến cả F3. Dù là F mấy, người dân phải hạn chế tiếp xúc và mang khẩu trang”, Bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

BS Trương Hữu Khanh cho rằng, lúc này, việc truy vết F0 là không cần thiết.

Cũng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, thời điểm bùng dịch lần này vẫn được coi là “may mắn” vì dịch xảy ra khi lượng người đi lại, du lịch, lễ Tết chưa nhiều. Nếu dịch xảy ra chậm hơn 10 ngày nữa chắc chắn không thể kiểm soát được vì lễ Tết người dân đi lại vô cùng nhiều giữa các tỉnh, các thành phố.

So với các giai đoạn trước, giai đoạn này chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được việc xét nghiệm. Mở rộng đối tượng xét nghiệm chính là chặn đứng virus. Nếu virus được khoanh vùng thì đỉnh dịch có thể 1 tuần tới sau đó giảm dần. Virus SARS-CoV-2 với biến chủng mới, tốc độ lây lan nhiều hơn dần dần con người sẽ tiệm cận sống chung với virus này.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến nghị người dân bình tĩnh, tuân thủ quy tắc 5K của bộ Y tế.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các Sự kiện y tế công cộng cho rằng, thời điểm này, mỗi người dân phải nâng cao cảnh giác, hết sức bình tĩnh và cùng nhau chung tay chống dịch. Thực hiện đầy đủ khuyến nghị 5K của bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

“Chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, vì vậy, các biện pháp ngăn chặn dịch phải được thực hiện một cách triệt để, quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn. Việt Nam có kinh nghiệm phòng, chống dịch và ngăn chặn tốt các ổ dịch trước đây, tôi cho rằng người dân nên bình tĩnh, tin vào chỉ đạo của Chính phủ và bộ Y tế cũng như các ban ngành khác", PGS.TS Trần Đắc Phu nói thêm.

Trước đó, tại cuộc họp khẩn với bộ Y tế chiều 28/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh việc các địa phương phát hiện ca nghi nhiễm thì phải lập tức thực hiện khoanh vùng. "Nghi có F1 thì phải coi như F0, F2 coi như F1 để truy vết triệt để", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bien-chung-covid-19-sieu-lay-nhiem-nguy-hiem-the-nao-a550894.html