Bỏ cấm hát nhép
Nghị định 144/2020 thay thế Nghị định 79/2012, có nhiều nội dung mới, trong đó bỏ quy định cấm: "Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn" (hát nhép).
Do vậy, từ 1/2 chỉ còn 4 điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn thay vì 5 như hiện nay, bao gồm: chống nhà nước; xuyên tạc lịch sử; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân...
Ngoài bỏ quy định cấm hát nhép, đàn nhép, Nghị định 144 có một số nội dung mới là bỏ cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 ở miền Nam và sáng tác của người Việt ở nước ngoài; bỏ cấp phép người đẹp đi thi quốc tế.
Quy định mới về chăm sóc sức khoẻ cho lao động nữ
Có hiệu lực từ 1/2, Nghị định 145/2020 bổ sung nhiều điểm mới trong việc chăm sóc sức khoẻ lao động nữ. Cụ thể: Trong kỳ kinh nguyệt, lao động nữ làm việc bình thường, không nghỉ mỗi ngày 30 phút được trả thêm một khoản ngoài lương. Số ngày có thời gian nghỉ do hai bên thỏa thuận, nhưng tối thiểu 3 ngày làm việc mỗi tháng.
Lao động nữ nếu không nghỉ, vẫn làm việc bình thường, sẽ được trả thêm tiền lương cho công việc đã làm trong khoảng thời gian này, ngoài lương và không tính vào thời giờ làm thêm. Luật hiện hành không quy định.
Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút để cho con bú, vắt sữa, nghỉ ngơi. Thời gian này được tính vào giờ làm việc, hưởng nguyên lương.
Nhà ở xây dựng tạm vẫn được cấp quyền sở hữu
Nội dung đáng chú ý này được đề cập tại Nghị định số 148 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 8/2.
Căn cứ khoản 14 Điều 1 Nghị định 148/2020, hộ gia đình, cá nhân trong nước được cấp giấy phép xây dựng nhà ở hoặc giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Như vậy, so với quy định cũ tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 43/2014, Nghị định mới đã công nhận cả giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn (xây dựng tạm).
Ngoài ra, Nghị định này còn một số nội dung nổi bật khác như: Được làm thủ tục cấp sổ đỏ nhanh, tại nhà; thêm cơ quan được quyền nhận hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại sổ đỏ là chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai…
Mức lương tối thiểu vùng giữ nguyên như năm 2020
Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Nghị định 145 năm 2020 hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Theo điểm a khoản 1 Điều 96 Nghị định 145/2020 về chế độ của hòa giải viên lao động có nhắc đến quy định từ ngày 1/1/2021, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ.
Như vậy, năm 2021 giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng như năm 2020. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/2.
Phí thẩm định cấp phép kinh doanh karaoke
Từ 25/2, Thông tư số 01 năm 2021 của Bộ Tài chính có hiệu lực sẽ thay đổi phí thẩm định cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke.
Theo đó, mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke quy định cụ thể cho từng trường hợp.
Tại các thành phố trực thuộc trung ương và tại các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke tùy số phòng từ 1-6 phòng trở lên mà có mức thu từ 4-12 triệu đồng/giấy phép.
Trường hợp tăng thêm phòng là 2 triệu đồng/phòng, nhưng tổng mức thu không quá 12 triệu đồng/giấy phép/lần thẩm định.
Tại khu vực khác, mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke tùy số phòng từ 1-6 phòng mà có mức thu từ 2-6 triệu đồng/giấy.
Trường hợp tăng thêm phòng là 1 triệu đồng/phòng, nhưng tổng mức thu không quá 6 triệu đồng/giấy phép/lần thẩm định.
Cự Giải (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-2-2021-a550961.html