Theo nghiên cứu, ngô chứa lượng lớn chất xơ, kali và các chất chống oxy hóa. Trong 100g ngô hạt chứa khoảng 342 calo, do đó nó được coi là nguồn cung cấp năng lượng tuyệt vời cho cơ thể. Một cốc sữa ngô cung cấp 18,4% lượng chất xơ cho cơ thể cần mỗi ngày, giúp hỗ trợ và giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến tiêu hóa.
Đặc biệt thành phần lysine, selenium có trong ngô đóng vai trò tích cực trong công tác phòng chống khối u. Ngô giàu vitamin B, niacin giúp dẫn truyền thần kinh và chức năng tiêu hóa, phòng chống beriberi, viêm cơ tim đồng thời giúp duy trì một làn da đẹp.
Trong ngô còn chứa glutathione, khi kết hợp với selen sẽ tạo ra glutathione oxidase –hợp chất có tác dụng ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường sức khỏe. Chất selen và magie trong ngô có tác dụng phòng ngừa ung thư, khi selen và vitamin E cùng phát huy tác dụng, có thể ngăn chặn 10 loại khối u, nhất là bệnh ung thư vú và ung thư trực tràng.
Ngoài ra ngô chứa flavonoid, có tác dụng nhất định đối với điểm vàng võng mạc. Vậy nên, ăn ngô có tác dụng tăng cường thị lực, phòng tránh nhiều bệnh về mắt.
Tuy nhiên ngô không phải là một loại rau mà bản chất là ngũ cốc, do đó không phải ai ăn ngô cũng tốt và nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến một số tác hại đối với cơ thể như:
Khiến bệnh tiểu đường thêm trầm trọng
Ngô có chỉ số đường huyết cao do đó nó là loại thực phẩm không có lợi đối với người mắc bệnh tiểu đường. Sau khi ăn ngô, nồng độ đường trong máu tăng cao đột ngột sẽ khiến cơ thể bị mệt mỏi và làm tình trạng viêm thêm trầm trọng.
Đầy hơi
Theo Health.com, cơ thể chúng ta không thể tiêu hóa hết ngô vì chúng chứa xen-lu-lô. Hệ thống tiêu hóa không thể làm triệt để vì thiếu các enzyme để làm được việc này.
Giống như nhiều loại ngũ cốc, ngô chứa prolamins, loại protein gây nên bệnh rò rỉ ruột. Hơn nữa ngô rất giàu tinh bột, nếu ăn nhiều sẽ sản sinh khí trong ruột, gây chướng bụng, đầy hơi.
Gây dị ứng
Sau khi ăn ngô một số người có thể gặp phải các biểu hiện dị ứng như phát ban, sưng màng nhầy, nôn mửa, nguy hiểm hơn là lên cơn hen, sốc phản vệ. Do đó, nếu ăn ngô mà thấy cơ thể xuất hiện một trong những dấu hiệu trên thì cần dừng ăn ngay và nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị.
Dễ khiến da bị nứt nẻ
Ngô thiếu các axit amin như lysine, tryptophan và niacin giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị nứt da. Vì thế với những người ăn ngô hàng ngày thay cơm cần bổ sung vào chế độ ăn các thực phẩm giàu vitamin để phòng chống việc bị nứt da ở tay chân, thậm chí khắp người.
Gây sâu răng
Ngô chứa nhiều đường, nếu sau khi ăn không chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ một số người có thể gặp phải tình trạng sâu răng. Tuy nhiên, điều này không phổ biến.
Dễ gây các bệnh mãn tính
Ngô giàu tinh bột nhưng lại nghèo các axit béo có lợi như omega-3 và dư thừa omega-6. Tỷ lệ omega-6 và omega-3 tốt nhất là 1:1, trong khi đó ngô lại cung cấp theo tỷ lệ 25:1. Điều này là nguyên nhân gây nên các bệnh mãn tính khi tiêu thụ ngô quá nhiều.
Kích hoạt bệnh tự miễn
Ăn lượng lớn ngô có thể gây nên nhiều hệ lụy đối với sức khỏe như kích hoạt các bệnh tự miễn. Các protein trong ngô là gluten có thể làm xáo trộn hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Dưới đây là những người không nên ăn ngô:
Người bị bệnh đường tiêu hóa
Những người có chức năng tiêu hóa kém hoặc có bệnh về đường tiêu hóa thì không nên ăn ngô. Lý do là ngô cung cấp lượng chất xơ nhất định cho cơ thể, giúp loại bỏ độc tố nhưng khi ăn quá nhiều sẽ tạo gánh nặng cho dạ dày. Ăn ngô sống còn có thể gây ra tình trạng rối loạn đường ruột, tiêu chảy...
Đặc biệt những người mắc bệnh viêm đại tràng cần cẩn trọng khi ăn ngô vì khi ăn vào có thể khiến vết loét đại tràng bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Ngô giàu xen-lu-lô, người viêm đại tràng khi ăn vào dễ khiến thành ruột bị cọ xát. Nói chung ngô là lương thực thô, rất nhạy cảm với đối tượng bị bệnh liên quan đến tiêu hóa.
Người bệnh tiểu đường
Như đã nói ở trên, ngô giàu tinh bột, là thực phẩm có chỉ số đường huyết cao nên không tốt cho bệnh nhân bị tiểu đường. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là người bệnh bị cấm ăn ngô mà nên ăn có chừng mực. Nếu ăn thì cần kết hợp với thực phẩm chứa protein hoặc chất béo.
Người có khả năng miễn dịch kém
Nạp lượng lớn chất xơ từ ngô sẽ làm cản trở việc bổ sung protein, tỷ lệ sử dụng chất béo giảm, gây tổn hại đến chức năng của nhiều bộ phận trong cơ thể như tim, máu…, từ đó làm giảm khả năng miễn dịch.
Người già và trẻ nhỏ
Người già và trẻ nhỏ nên hạn chế ăn ngô bởi chức năng tiêu hóa của người già đã suy giảm còn với trẻ nhỏ hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện đầy đủ vì thế việc ăn ngô có thể tạo áp lực cho dạ dày vì chứa lượng chất xơ lớn.
Người thường xuyên hoạt động thể lực
Ngô có thành phần chủ yếu là tinh bột nên không thể cung cấp đủ dinh dưỡng, nhất là protein có tác dụng xây dựng cơ bắp cho những người lao động thể lực nặng.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ngo-la-mon-rat-doc-voi-nhung-nguoi-nay-cho-dai-an-nhieu-keo-hoi-han-a550977.html