Myanmar cắt Internet, điều xe bọc thép kiểm soát biểu tình

Việc cắt internet diễn ra ngay sau khi những hình ảnh cho thấy các phương tiện quân sự và binh sĩ đã xuất hiện ở trên các đường phố lớn ở Myanmar được lan truyền trên mạng xã hội.

Myanmar cắt Internet, điều xe bọc thép kiểm soát biểu tình - Ảnh 1

Người biểu tình yêu cầu thả bà Aung San Suu Kyi đứng trước một chiếc xe bọc thép ở Myanmar. Ảnh: Reuters

Theo AFP, Nhóm giám sát Netblocks cho biết "tình trạng mất internet do yêu cầu của chính phủ" đã khiến Myanmar rơi vào tình trạng bị cô lập hoàn toàn trên không gian mạng.

Việc cắt internet diễn ra ngay sau khi hình ảnh phát trực tiếp được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy các phương tiện quân sự và binh sĩ đã xuất hiện ở trên các đường phố của thành phố Yangon, Myitkyina và Sittwe hôm 14/2.

Theo đoạn video được phát trực tiếp trên Facebook hôm 14/2, lực lượng an ninh đã nổ súng để giải tán những người biểu tình bên ngoài một nhà máy điện ở thủ phủ Myitkyina của bang Kachin. Tuy nhiên, chưa rõ lực lượng an ninh sử dụng đạn cao su hay bắn đạn thật.

Những xe bọc thép cũng đã được điều đến các thành phố lớn nhằm kiểm soát tình hình.

Cùng ngày, luật sư Khin Maung Zaw của Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, nói với truyền thông rằng một thẩm phán tại tòa án ở thủ đô Naypyitaw cho biết thời hạn tạm giam bà Aung San Suu Kyi đã được kéo dài đến ngày 17/2.

Bà Aung San Suu Kyi bị quân đội bắt giữ vào ngày 1/2 cùng các lãnh đạo dân cử của Myanmar. Bà đáng lẽ được trả tự do vào ngày 15/2.

Cuộc binh biến đã làm dấy lên cuộc biểu tình lớn nhất tại Myanmar trong hơn một thập kỷ qua.

Các hãng truyền thông địa phương cho biết ít nhất 5 nhà báo theo dõi cuộc biểu tình đã bị bắt giữ, đồng thời công bố hình ảnh một số người bị thương trong vụ việc.

Tuyên bố chung của các đại sứ Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu tại Myanmar kêu gọi lực lượng an ninh nước này không làm hại dân thường.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự, yêu cầu các nhà chức trách "đảm bảo quyền tụ tập và biểu tình ôn hòa mà không bị trừng phạt".

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/myanmar-cat-internet-dieu-xe-boc-thep-kiem-soat-bieu-tinh-a551310.html