Đến thăm nhà thư pháp gia Trần Võ Hiệp vào những ngày đầu năm, tôi cảm nhận được sự vắng vẻ đìu hiu. So với năm trước, năm nay do dịch Covid 19 dường như rất ít khách tới để "xin chữ". Dù vậy, thầy đồ vẫn bận rộn vì mọi người chuyển sang "xin chữ" online.
Ngôi nhà nằm ở cuối ngõ thuộc đường Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, TP. HN). Ngay từ cổng vào, tôi đã ngửi thấy mùi giấy thơm thoảng pha mùi mực nồng hăng hắc.
Thư pháp gia Trần Võ Hiệp là người đạt nhiều giải thưởng cao quý tại các cuộc thi viết chữ quốc ngữ. |
Thư pháp gia Trần Võ Hiệp (SN 1988), quê gốc ở tỉnh Hưng Yên. Tuy tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nhưng anh gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp. Năm 2017, anh Trần Võ Hiệp đạt giải Nhất triển lãm “Hội chữ xuân” tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Năm 2018, đạt giải Ba triển lãm “Hội chữ xuân” và giải Nhì năm 2020.
Thư pháp gia Trần Võ Hiệp góp sức vào sự nghiệp phục hưng văn hóa dân tộc qua các tác phẩm: Có một nghề, Qúa hải vân quan... Anh luôn trăn trở về văn hóa cổ truyền dân tộc, mong ước thư pháp quốc ngữ tiếp tục được bảo tồn phát triển.
Nặng duyên với nghiệp bút nghiên
Năm 2006, anh Trần Võ Hiệp tốt nghiệp đại học, trở thành kỹ sư điện tại một công ty lớn. Suốt 7 năm theo ngành điện, anh đi khắp các công trường trên toàn quốc, có cơ hội trau dồi kiến thức. Sau những chuyến đi dài, anh có nhiều thời gian nghỉ ngơi nên quyết định nghiên cứu thư pháp.
Anh đăng ký theo học khóa luyện chữ từ cơ bản tới nâng cao của một thầy đồ nổi tiếng trên phố. Năm 2017, sau hơn 2 năm rèn luyện, anh Trần Võ Hiệp quyết định đăng ký tham dự cuộc thi “Hội chữ xuân” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám và đạt giải Nhất cuộc thi.
Thầy đồ trẻ trong một hội xuân năm trước. |
Năm đó, anh có mặt tại Văn Miếu những ngày Tết viết chữ tặng mọi người. Nhớ lại kỷ niệm, thầy đồ trẻ không giấu nổi sự hạnh phúc, hoan hỉ và xúc động khi được ghi nhận sau những tháng ngày miệt mài học tập, rèn luyện.
Anh kể: “Trước kia, khi tôi làm kỹ sư ngành điện, không ai biết tới tôi. Nhưng từ năm đỗ giải cao, mọi người xung quanh đều biết tới, kính trọng gọi hai tiếng "thầy đồ" khiến tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào. Chỉ trăn trở là dịp Tết hai vợ chồng không được về quê sum vầy với gia đình. Trong năm, tôi nhận nhiều lời mời của các đơn vị tới tham dự các chương trình, sự kiện; dạy viết thư pháp tại trường học”.
Ngày nay, nhiều người không còn chú trọng đến chuyện xin chữ treo vào dịp Tết. Cảnh cho chữ, xin chữ mai một dần, lui vào dĩ vãng. Thi thoảng, người ta mới thấy ông đồ xuất hiện ở đình chùa miếu mạo lớn. Tuy nhiên, may mắn khi còn nhiều bạn trẻ yêu bộ môn thư pháp, khao khát phục hưng những giá trị cốt lõi của dân tộc.
Thư pháp gia Trần Võ Hiệp luôn cẩn trọng, chỉn chu trong từng dòng chữ. |
Thư pháp gia Trần Võ Hiệp chia sẻ: “Muốn đánh giá một bức viết có đẹp dựa vào ba yếu tố: Bố cục, kỹ pháp, nội dung. Bố cục phải cân đối, trên dưới trái phải tương xứng. Kỹ pháp cho biết thời gian rèn luyện nét chữ. Nếu rèn luyện trong thời gian dài thì nét chữ sẽ mềm mại, trau chuốt. Nét chữ mảnh cũng trở nên tinh, chắc và căng. Về nội dung, bài viết phải mạch lạc, có ý nghĩa sâu sắc. Ngoài ra, người viết cần vững quy tắc đóng dấu, nhàn chương, hạ chương... Mỗi quy tắc đều chứa hàm nghĩa sâu xa”.
“Có nhiều nguyên tắc yêu cầu người viết cần tuân thủ. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ chưa thật sự say mê, học hời hợt. Các bạn tự mua bút, mua mực về thực hành, tự xưng danh “thầy đồ”. Các bạn tự tiện đóng dấu không theo trật tự, chữ viết. Điều đó vô tình khiến bộ môn thư pháp bị biến tấu lệch lạc, đi ngược với những giá trị tốt đẹp mà cha ông ta gìn giữ ngàn đời”, thầy Trần Võ Hiệp cho biết.
Yêu cái đẹp, thích ngắm những dòng chữ đẹp khiến anh Trần Võ Hiệp không ngừng học hỏi, tìm hiểu, tự trau dồi để hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Là người tâm huyết với môn nghệ thuật đặc biệt nên thầy thường xuyên tham gia các chương trình, hội thảo, sự kiện lớn nhỏ liên quan. Bên cạnh đó, thầy Trần Võ Hiệp tới các trường học để giảng dạy, mở lớp học tại nhà.
“Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
Tục xin chữ, cho chữ đầu xuân là nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ bao đời. Tục lệ này bắt nguồn từ sự hiếu học, trọng chữ nghĩa, tri thức cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc đầy nhà.
Đằng sau nét chữ như “phượng múa rồng bay” là bao triết lý, tâm tình, nguyện vọng mà thế hệ cha ông gửi tới cho chúng ta. Nét đẹp văn hóa ấy đến nay vẫn được trân trọng, gìn giữ.
Trong mỗi chữ, người viết đều thể hiện tâm hồn, tài năng và trí tuệ của mình. Người chơi chữ cần có cái nhìn sâu sắc để hiểu được nét đẹp, hàm nghĩa sau những dòng chữ uyển chuyển. Tâm trạng, tính cách, tài năng của người viết thế nào sẽ được thể hiện qua những đường nét.
Người tài năng đức độ, bản tính lương thiện, rèn luyện được nét chữ đẹp sẽ chinh phục được mọi người. Vậy ông cha ta mới có câu: “Nét chữ nết người”. Còn việc giữ được lòng người hay không chính là cái tâm trong thư pháp.
Những nét chữ nhữ "Phượng bay rồng múa" dần hiện ra trên trang giấy, thể hiện tài hoa của người cầm bút. |
Những người làm ăn thường xin chữ “Lộc” với mong muốn sang năm mới làm ăn phát tài, phát lộc. Chữ “Lộc” thường được nhiều người xin để treo trong nhà. Chữ “Phúc” tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn, an nhiên, mong muốn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia chủ.
Ngày Tết, con cháu thường xin chữ “Thọ” để biếu tặng ông bà, cha mẹ. Cầu chúc những người thân yêu luôn mạnh khỏe, sung túc, tránh tai ương và thể hiện lòng thành kính với bề trên. Còn bậc cha mẹ thường chọn chữ “Tâm” mang ý nghĩa Phật giáo sâu sắc trong đời sống tâm linh của người Việt. Ông bà, cha mẹ mong muốn con cháu sống có ích cho đời, có tấm lòng thơm thảo, tu dưỡng đạo đức, xóa bỏ ích kỷ, hận thù, hướng tới một cuộc sống thanh thản, bình yên.
Chữ “Đức” biểu trưng cho đức tính con người. Treo chữ “Đức” trong nhà hàm nghĩa răn dạy mọi thành viên cần tu tâm dưỡng đức, sống có lương tâm, bao dung độ lượng với vạn vật. Còn chữ “An” tượng trưng cho sự bình an, hạnh phúc. Đây cũng là chữ được nhiều người xin nhất.
Thầy đồ 8x mong muốn phục hưng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua việc giáo dục các bạn trẻ. |
Thư pháp gia Trần Võ Hiệp chia sẻ một câu chuyện nhỏ với PV: “Ngày xưa, mọi người thích xin chữ Hán hơn chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, chữ Hán ít người hiểu được ý nghĩa. Nếu treo một chữ “Nhẫn” bằng tiếng Hán thì chưa chắc mọi người trong gia đình và khách tới chơi đã hiểu nội dung. Nhưng nếu treo chữ “Nhẫn” bằng tiếng quốc ngữ thì ai ai cũng hiểu. Hằng ngày, mọi thành viên nhìn dòng chữ để tự nhủ bản thân phải luôn yêu thương, tránh mâu thuẫn, hận thù. Luôn sống bao dung, độ lượng, bỏ qua những lỗi lầm cho nhau”.
Xuân đến Tết về gõ cửa phố phường. Trong những ngày đầu năm, mọi người nô nức cùng nhau đi du xuân, đi xin chữ cầu lộc, cầu bình an. Ông đồ bên nghiên bút, trang giấy, ngồi trịnh trọng thể hiện tài năng như một biểu tượng bất diệt của sức sống văn hóa ngàn đời. Ngược về dòng chảy thời gian, mỗi chúng ta như được trở về với nét phong tục xưa, được cảm nhận sự ấm cúng của cái Tết xưa.