Người lính cộng sản kiên trung
Mỗi dịp xuân đến, ông Nguyễn Nhất Thắng (75 tuổi), trú tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An lại nhớ đến những cái ngày đón Tết trong chốn lao tù.. Ký ức về những ngày Tết ở chốn “địa ngục trần gian” 50 năm về trước lại hiện về trong tâm trí người chiến sĩ cộng sản này. Nhìn về xa xăm, ông Thắng kể cho chúng tôi về những năm tháng bị tù đày ở nhà lao Phú Quốc.
Năm 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, chàng thanh niên Nguyễn Nhất Thắng, quê ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An lên đường nhập ngũ. Chàng trai này được biên chế Tiểu đoàn 15 công binh, Sư đoàn 342A. Sau 2 năm nhập ngũ, năm 1965, ông cùng đơn vị lên đường đi B, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Đến năm 1967, Trung đội trưởng Nguyễn Nhất Thắng bị thương nặng trong một trận đụng độ với thủy quân lục chiến Mỹ tại chiến trường Quảng Trị. Trung đội trưởng Nguyễn Nhất Thắng cùng 11 đồng đội bị thương và bị bọn Mỹ ngụy bắt làm tù binh.
Mặc dù, bọn địch đã tra khảo bằng đủ ngón đòn roi tàn bạo nhất nhưng không thể khai thác được thông tin nào có giá trị từ ông. Không còn cách nào khác, bọn chúng đày ông ra nhà lao Phú Quốc (Kiên Giang). Bị nhục hình “chết đi sống lại” nhưng người lính công binh vẫn kiên định mình là Phạm Văn Thăng, binh nhất, quê quán xã Hương Phúc, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Sở dĩ, ông Thắng lấy tên khác vì để đảm bảo an toàn bản thân và hoạt động cách mạng lâu dài. Thời điểm bấy giờ, ông Nguyễn Nhất Thắng được liệt vào danh sách tù chính trị "cứng đầu".
Đến năm 1969, ông Nguyễn Nhất Thắng đến phòng giam số 13, khu B5. Theo mô tả của ông đó là một phòng giam rộng khoảng 50m2. Diện tích nhỏ nhưng bọn chúng nhốt hơn 100 tù binh người miền Bắc. Đây là những người được xem là “cứng đầu”. Cũng trong thời gian này, ông được kết nạp vào tổ chức hoạt động bí mật của Đảng và được kết nạp vào Đảng. Khát khao trở về bầu trời tự do, được cầm súng chiến đấu trả thù, ông đã cùng đồng đội tìm cách vượt ngục.
“Sau khi được lệnh của tổ chức, tháng 4/1968, tôi cùng 3 đồng chí vượt ngục bằng cách chui qua hàng rào thép gai của địch. Tuy nhiên, khi đã vượt qua hào và hàng rào kẽm gai cuối cùng, chúng tôi vướng phải dây pháo sáng của địch. Một tiếng nổ giòn, pháo sáng bay vụt lên trời soi rõ mặt từng người. Tiểu đoàn quân cảnh cho xả súng, xe tăng bao vây, bắt gọn chúng tôi. Đồng chí An bị thương nặng, còn 3 chúng tôi da bị rách toạc. Khi đó chúng tôi nghĩ, thế là hết. Sau nhiều trận đòn roi, chúng nhốt chúng tôi vào két xô - loại hòm kim khí đựng khí tài”, ông Nguyễn Nhất Thắng nhớ lại.
Ngày Tết trong “địa ngục trần gian”
Đến ngày Tết Nguyên đán trong nhà lao Phú Quốc không khác ngày thường thường nhưng đậm tình đồng chí, đồng đội. Biết là sẽ không có gì khác so với ngày thường nhưng sắp đến giờ Giao thừa ai cũng thổn thức nhớ quê hương và gia đình. “Tết trong nhà lao cũng giống như ngày thường, chúng cho mỗi người một ca nước và ăn cơm với muối. Đêm Giao thừa dường như không ai ngủ, những người tù cộng sản thức cùng nhau, chia sẻ những kỷ niệm tuổi thơ, những ngày Tết năm xưa sùm vầy cùng bố mẹ,.. Chúng tôi động viên nhau giữ vững tinh thần cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu của người lính trong chốn lao tù và tin tưởng vào ngày mai chiến thắng. Những ngày Tết đến, trong mỗi chúng tôi chất chứa bao nỗi niềm”, ông Thắng nghẹn giọng nói.
Ở trong ngục tù, dưới sự chỉ huy của tổ chức bí mật, cuộc đấu tranh giữa những người lính cách mạng và bọn cai ngục khét tiếng vẫn diễn ra quyết liệt. Địch dùng mọi ngón đòn thù man rợ nhất nhằm tiêu diệt ý chí đấu tranh của những người cộng sản nhưng không thể khuất phục được họ.
Bằng ý chí sắt đá, hầu hết những chiến sỹ tù yêu nước ở Phú Quốc đã giữ trọn khí tiết để có quyền ngẩng cao đầu trở về đội ngũ cách mạng trong ngày trao trả sau Hiệp định Pari 1973. Sau khi được trao trả, ông Nguyễn Nhất Thắng về làm trợ lý tác huấn Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hưng Nguyên.
Năm 2002, ông Thắng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Kỷ niệm chương chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày đã nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, góp phần vào thắng lợi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Cuộc đời ông trải qua nhiều cái Tết khác nhau nhưng những cái Tết trong nhà lao của Mỹ Ngụy là ký ức không thể quên mặc dù đã 50 năm trôi qua. Nhà tù Phú Quốc chính là nơi thử thách bản lĩnh và khí tiết của người cộng sản, cũng là nơi tỏa sáng phẩm chất cao đẹp của những người chiến sĩ kiên trung.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ky-uc-ngay-tet-nguyen-dan-o-nha-lao-phu-quoc-a551332.html