“Những bông hồng thép”

Là nam giới, để vượt qua những cám dỗ đã khó, với phụ nữ lại càng phải nỗ lực gấp ngàn lần hơn.

Làm báo là một nghề vất vả nhưng đối với các phóng viên nữ họ còn phải chịu áp lực nhiều hơn các đồng nghiệp nam giới. Ngoài nghiệp báo, họ còn phải làm tròn nhiệm vụ người vợ, thiên chức làm mẹ, mềm dẻo cân bằng hài hòa các mối quan hệ xung quanh.

Có một nữ đồng nghiệp từng nói với tôi rằng: Nghề báo là một trong những nghề giúp phát huy được các tố chất của người phụ nữ hiện đại... Quả là đúng như vậy, tại chuyên trang Diễn đàn Pháp luật, chúng tôi đa phần là nữ giới. Dù ở những vị trí, ở những lứa tuổi khác nhau nhưng trong họ đều tràn đầy năng lượng, năng động và dám xông pha vì nghề báo.

Tôi còn nhớ, khi mới vào cơ quan, tôi được một nữ đồng nghiệp dìu dắt. Thú thực, ngày ấy tôi vẫn hoài nghi về sự thành công của các nữ nhà báo. Nhưng khi làm việc cùng, có tận mắt chứng kiến những đồng nghiệp nữ của mình làm việc mới biết họ thực sự là “những bông hồng thép”. Tiếng là phụ nữ nhưng cách chị đến với cơ sở, cách chị khai thác hay thâm nhập để lấy thông tin không kém gì cánh nam giới, thậm chí nhiều nam giới còn phải học hỏi ở chị rất nhiều. Đam mê với nghề, lăn lộn và trăn trở với từng câu chuyện về đời sống của người dân để đưa vào bài viết, dù công việc chiếm kín thời gian, trong đó có những chuyến đi công tác tỉnh triền miên, nhưng chị chưa một lần than vãn, thậm chí còn luôn động viên những phóng viên trẻ.

“Những bông hồng thép” - Ảnh 1
 

Có lần tôi hỏi chị: Em là nam giới mà đôi khi còn mệt mỏi, căng thẳng nản việc, sao chẳng bao giờ thấy chị than vãn? Chị bảo: Có áp lực công việc chứ, áp lực gia đình càng nặng hơn nhiều, nhưng chẳng còn cách nào khác mình phải tự giải quyết. Áp lực gia đình thì mình phải chia sẻ thật lòng với người thân và mong họ hiểu. Khi mình có hậu phương vững chắc, yên ổn, an toàn, sẽ có nhiều thời gian cho nghề và thăng hoa với nghề. Còn áp lực công việc thì cơ quan nào hay công việc nào chẳng có. Chỉ cần mình yêu nghề làm việc bằng cái tâm sáng thì mọi việc sẽ hanh thông.

Có lẽ, với nhiều nữ đồng nghiệp của tôi, làm báo với họ không phải là sự bon chen hay phải kiếm được thật nhiều tiền. Mà với họ nó là niềm đam mê. Và có lẽ do đặc thù công việc của nghề báo mà khiến nhiều phụ nữ mãnh mẽ, độc lập hơn và tự mình thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Làm báo đã vất vả, phụ nữ làm lãnh đạo báo sẽ vất vả gấp đôi, gấp ba. Người lãnh đạo cơ quan tôi cũng là một nữ nhà báo tuổi đời còn trẻ. Chị có phong thái điềm tĩnh nhưng xử lý công việc của tòa soạn thì nhanh chóng, gọn ghẽ. Thành công của một tờ báo là công sức, trí tuệ của cả một tập thể, khâu nào cũng quan trọng, góp phần làm nên giá trị tờ báo nhưng người phải nỗ lực, hi sinh nhiều nhất có lẽ vẫn là những người dẫn đường như chị.

Năm vừa qua, thách thức báo chí thời đại 4.0 nói chung và những khó khăn bất ngờ ập đến như dịch Covid – 19 khiến “cánh chim đầu đàn” cơ quan chúng tôi càng thêm nhiều trăn trở. Áp lực đổi mới buộc những người “cầm lái” phải có những bước đi thận trọng để giải quyết hài hòa câu chuyện làm báo và làm kinh tế báo chí.

Không chỉ cố gắng để không ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập và công việc của cán bộ, phóng viên mà chính trong khoảng thời gian khó khăn này, nhờ tài chí và lòng say mê với nghề chị lại gắn kết được hơn nữa sự kề vai, sát cánh của tập thể, cùng nhau nỗ lực đưa cơ quan vượt qua khó khăn, giúp tờ báo phát triển hơn nữa.

Giờ giấc không ổn định, thường xuyên phải đi công tác, luôn đối mặt với những vấn đề phức tạp của xã hội, đó là những áp lực của nghề báo. Với những nhà báo nữ họ còn phải chịu nhiều vất vả, áp lực, hi sinh nhan sắc, sức khỏe, thời gian cho gia đình, thời gian cho bản thân để gắn bó với nghề. Khi phụ nữ bước vào nghề báo, đòi hỏi họ phải có niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề. Những nữ nhà báo quả thực họ là “những bông hồng thép” không ngại khó, ngại khổ, dám hi sinh, xông pha vào nghề nguy hiểm mà đến nam giới nhiều người còn phải e ngại.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-bong-hong-thep-a551408.html