Chứng kiến nhiều thầy cô ở Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) - nơi mình đang theo học và nhiều trường học khác phải đứng trước cổng trường để đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho hàng trăm học sinh, em Nguyễn Thành Tài (lớp 8A1) đã nảy ra ý tưởng về một thiết bị tự động, vừa đo thân nhiệt và xịt tay sát khuẩn, thậm chí kiểm soát số lượng học sinh tới lớp hàng ngày.
Nghĩ là làm, cuối năm 2020, em Nguyễn Thành Tài đã trình bày ý tưởng này với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn Vật lý.
Thật tình cờ, người giáo viên cũng nhận được ý tưởng tương tự từ em Nguyễn Điền Nam (lớp 9A4) dù hai học sinh này không hề biết nhau.
Hai học sinh đã bắt tay cùng nhau thực hiện dự án “Thiết bị đọc thân nhiệt và khử khuẩn tự động kết hợp điểm danh thông minh” dưới sự hướng dẫn của cô giáo Lê Thị Thương sau khi được Ban Giám hiệu trường THCS Nguyễn Văn Cừ đồng ý, tạo điều kiện.
Sau gần 4 tháng nghiên cứu, một thiết bị tự động thông minh đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng thử nghiệm tại trường khiến các thầy cô bất ngờ.
Thiết bị này đo chính xác thân nhiệt của từng học sinh, tự động phun nước sát khuẩn khi học sinh đưa tay ra phía trước, đồng thời ghi nhận vân tay để nhà trường điểm danh số lượng học sinh đến lớp vào ngày hôm đó.
Khi đưa vào sử dụng, máy hoạt động khá tốt, chỉ có một số lỗi nhỏ do ban đầu chưa nghĩ ra, nhưng sau đó đã được khắc phục được.
Thiết bị này hoạt động dựa vào hệ thống cảm biến nhiệt được tích hợp bên trong, nguồn điện được đấu nối trực tiếp vào lưới điện hoặc năng lượng được tích sẵn từ một tấm pin mặt trời đặt phía trên, phòng trường hợp không có điện sẵn.
Máy được gắn một cảm biến thân nhiệt cao hơn chiều cao trung bình của học sinh. Ống dẫn nối từ bình đựng nước sát khuẩn ở bên trong thiết bị sẽ phun ra một lượng dung dịch vừa đủ để học sinh rửa tay khử khuẩn.
Bên cạnh đó, thiết bị còn tích hợp thêm bộ phận cảm biến vân tay trên máy, học sinh sẽ nhấn vào đây để máy quét vân tay từng người. Toàn bộ quy trình chỉ diễn ra chưa tới 5 giây.
Thiết bị này không chỉ giúp đo thân nhiệt cơ thể, vân tay mà còn truyền thông tin về máy chủ của nhà trường thông qua Google Drive, giúp nhà trường nắm được toàn bộ dữ liệu mà không tốn nhiều nhân lực, công sức.
Chi phí để hoàn thiện thiết bị khoảng gần 8 triệu đồng.
Buổi học đầu năm mới 2021 của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Cừ vào ngày 22/2 vừa qua được kiểm soát y tế chặt chẽ nhưng nhanh gọn, không tốn nhân lực khi có sự xuất hiện của thiết bị kiểm tra thân nhiệt tự động thông minh do chính học sinh của trường này sáng chế ra.
Vào cuối tháng 1 vừa qua, thiết bị này đã vượt qua 121 dự án để đạt giải nhất trong cuộc thi khoa học kỹ thuật năm học 2020-2021 dành cho học sinh trung học tỉnh Bình Dương, đồng thời được lựa chọn tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dự kiến tổ chức vào tháng 3 sắp tới tại tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Hai “nhà sáng chế nhí” cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung hoàn chỉnh phần ngoại hình để thiết bị trông đẹp mắt hơn, đồng thời kiểm tra lại hệ thống điện tử để dự thi cấp quốc gia.
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương trên cả nước đã cho học sinh tạm dừng đến trường, thay vào đó là hình thức học trực tuyến để đảm bảo công tác phòng dịch.
Tính đến 6h ngày 24/2, 53 địa phương quyết định đón học sinh đi học trở lại, còn 10 địa phương đang xem xét.
Hiện 10 tỉnh, thành phố đang cho học sinh tạm dừng đến trường gồm: Tây Ninh, Đồng Nai, Phú Yên, Bình Định, Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.
Một số tỉnh, thành đang đề xuất xin ý kiến quyết định từ UBND cho học sinh đi học trở lại từ ngày 1/3, trong đó có TP.HCM, Hải Dương.
Theo hướng dẫn của bộ GD&ĐT, trước khi cho học sinh đi học lại, các trường phải thực hiện việc phun khử khuẩn trường học, sát khuẩn bàn ghế, dụng cụ dạy học, sát khuẩn ôtô đưa đón học sinh, bố trí chậu rửa, xà phòng, nước sát khuẩn.
Bạch Hiền (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hai-nam-sinh-cap-2-che-tao-may-do-than-nhiet-3-trong-1-voi-gia-thanh-sieu-re-a551591.html