Chân dung cung nữ hơn hoàng đế 17 tuổi từng bước trở thành phi tần độc sủng hậu cung

Không ai ngờ rằng, mối lương duyên chủ - tớ của Chu Kiến Thâm và Vạn Trinh Nhi đã trở thành khúc dạo đầu cho mối tình giữa hai người chênh nhau tới 17 tuổi.

vi-hoang-de-yeu-say-dam-bao-mau-hon-17-tuoi-la-ai-dspl-1-1614173744.png
Ảnh minh họa

Trong lịch sử Trung Hoa, chuyện những Hoàng đế có Hoàng hậu hay phi tần quá trẻ tuổi không hiếm. Thế nhưng chuyện một Quý phi hơn Hoàng đế gần 20 tuổi được sủng ái mới thật sự bất ngờ.

Vị Hoàng đế đó là Minh Hiến Tông - Chu Kiến Thâm, Vua thứ 9 của nhà Minh trong lịch sử Trung Hoa. Vua Minh Hiến Tông có mối tình si dại với Vạn Quý phi - Vạn Trinh Nhi.

Vạn Trinh Nhi vốn là người gốc Sơn Đông (Trung Quốc). Nàng vào cung từ năm lên 4. Năm 19 tuổi, Trinh Nhi được Thái hậu ban về làm bảo mẫu cho tiểu Thái tử 2 tuổi Chu Kiến Thâm.

Biết mình và Thái tử là hai người ở chung trên một con thuyền, nếu Chu Kiến Thâm có mệnh hệ gì, bản thân cũng mất mạng nên Vạn Trinh Nhi chăm lo cho tiểu Thái tử vô cùng chu đáo.

Lâu dần, Thái tử hình thành tâm lý ỷ lại, không thể nào rời xa được cung nữ họ Vạn. Vạn Trinh Nhi bỗng nhiên trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời Hoàng đế từ những năm tháng gắn bó bên nhau như thế.

Hành trình lên ngôi của Minh Hiến Tông cũng đầy những thăng trầm. Trong thời gian ấy, lúc nào Vạn Trinh Nhi cũng ở bên chăm lo chu đáo, chính điều này khiến tình cảm bậc Đế vương dành cho người hầu của mình ngày càng bền chặt hơn.

Sau này, Chu Kiến Thâm lên ngôi. Ông lại càng có cơ hội trân trọng và trả ân nghĩa dành cho Vạn Trinh Nhi. Khi ấy, tình cảm của Hoàng đế dành cho Vạn thị đã là tình yêu chứ không phải chỉ là sự dựa dẫm đơn thuần như xưa nữa. Minh Hiến Tông phong cho Vạn thị làm Vạn Quý Phi.

Ngày 17/1, năm Thiên Thuận thứ 8, Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn qua đời ở Càn Thanh cung. Hoàng Thái tử Chu Kiến Thâm thuận lợi đăng cơ và trở thành Tân đế của Đại Minh khi mới 16 tuổi, sử cũ gọi là Minh Hiến Tông.

 Mặc dù người được sủng ái nhất lúc bấy giờ vẫn là Quý phi Vạn thị, nhưng nhân vật được hiên ngang bước lên ngai vị Hoàng hậu lại là Ngô thị - thiếu nữ bằng tuổi nhà vua và có xuất thân vô cùng danh giá.

Thế nhưng chỉ sau vẻn vẹn 31 ngày được ở ngôi "mẫu nghi thiên hạ", Hoàng hậu Ngô thị đã bị Hoàng đế phế truất. Có giai thoại truyền lại rằng bà vì trách phạt Vạn quý phi tội bất kính nên đã bị nhà vua phế bỏ và giam vào lãnh cung.

Vạn Quý phi từng hạ sinh một con trai, nhưng hoàng tử chỉ sống được một tháng.

Từ đó về sau, Vạn Trinh Nhi không sinh thêm đứa con nào nữa. Vạn quý phi cậy được hoàng đế sủng ái nên sinh ra kiêu ngạo, hoành hành bá đạo trong cung. Vì không thể có con, ái phi của vua Minh Hiến Tông còn dùng những thủ đoạn tàn khốc, khiến những phi tần khác phải trụy thai. Mỹ nữ trong cung ai cũng sợ hãi người phụ nữ này.

Hiến Tông biết rất rõ mọi chuyện nhưng không hề trách mắng Vạn Trinh Nhi, ngược lại còn hết lần này tới lần khác nhường nhịn nàng.

Chân dung cung nữ hơn hoàng đế 17 tuổi dần từng bước trở thành phi tần độc sủng hậu cung - Ảnh 2

Ảnh minh họa

Theo lý, một người không phải mỹ nhân, tuổi đã quá cao, lại không còn khả năng sinh đẻ như Vạn Trinh Nhi thì không thể có cơ may cạnh tranh với bạt ngàn mỹ nữ trong chốn hậu cung. Nhưng một đời làm vua của Chu Kiến Thâm dường như chỉ sủng hạnh và nhường nhịn người phụ nữ hơn mình đến 17 tuổi này.

Năm Vạn Trinh Nhi 58 tuổi, trở thành một bà già có thân hình sồ sề và béo phục phịch, vua Hiến Tông vẫn yêu và nể sợ vợ.

Sử sách chép, Vạn Trinh Nhi “mặt to, tiếng ồm, không khác gì nam giới”, rõ ràng họ Vạn không phải là một giai nhân tuyệt sắc gì. Tới mức, mẹ đẻ của vua Hiến Tông cũng phải hỏi con: “Nó có gì đẹp mà con lại si mê nó đến vậy?”. Nhà vua đáp: “Con không hiểu mắc bệnh gì nhưng không có Vạn thị thì không ngủ được”. Câu trả lời này của Minh Hiến Tông đủ cho thấy, dù Vạn Trinh Nhi không phải là một mỹ nhân nhưng lại có những thứ mà các mỹ nhân khác không có được, đó chính là “thuật chăn gối”.

Sử sách kể lại rằng, trong một lần giận dữ đánh cung nữ, vì Trinh Nhi béo phục phịch nên đã đứt hơi mà chết.

Nhà vua nghe tin thì đã đau khổ như đứt từng khúc ruột. Ông gào khóc thương tiếc người mình yêu thương nhất cuộc đời: "Vạn bỏ đi rồi, ta còn ở lâu sao được?". Từ đó, ông âu sầu, u uất mà sinh bệnh.Chỉ vài tháng sau khi Trinh Nhi qua đời, vua Hiến Tôn vì quá đau buồn nên cũng về bên kia thế giới ở tuổi 40.

Nhìn lại cuộc đời của Vạn Trinh Nhi, có thể thấy mối lương duyên giữa bà và Hoàng đế đã trở thành yếu tố giúp người nhũ mẫu xuất thân thấp kém ấy có cơ hội trở thành phi tần cao quý chốn hậu cung.

Dù mối tình của Minh Hiến Tông và Vạn Quý phi đã đi vào dĩ vãng, thế nhưng giờ đây mỗi khi nhắc tới tên tuổi của Vạn Trinh Nhi, người ta vẫn thường kể cho nhau nghe những giai thoại về cuộc đời bà và coi đó là kỳ tích đổi đời ngoạn mục nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Mộc Miên (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chan-dung-cung-nu-hon-hoang-de-17-tuoi-tung-buoc-tro-thanh-phi-tan-doc-sung-hau-cung-a551604.html