Đời sống & Pháp luật - Ngôi nhà thứ hai của tôi

Từ khi mới chân ướt, chân ráo mới bước chân ra khỏi cánh cửa trường đại học. Rất may mắn cho tôi khi có cơ hội được vào làm việc, rèn luyện tại Đời sống & Pháp luật.

Tôi đã tìm hiểu về báo Đời sống & Pháp luật một thời gian trước khi đặt chân vào nơi đây, về 19 năm thành lập của tờ báo, của bao nhiêu thế hệ gạo cội trong những ngày đầu tờ báo mới được hình thành, về quá trình làm việc, phấn đấu của Tổng biên tập để giữ vững, chèo lái con thuyền đưa tờ báo có được như ngày hôm nay.

Những ngày đầu khi mới đặt chân vào cơ quan, tôi được phân công vào làm bộ phận Phununews với công việc là phóng viên làm về Pháp luật. Thời điểm đầu, tôi e dè, nhút nhát vì công việc về báo chí đối với tôi quả là mới mẻ. Lúc đó, tôi đã có một cảm giác lo sợ khi mình không làm được việc, sợ mình đi tụt lùi so với các đồng nghiệp khác. Tôi như một đứa trẻ phải học hỏi từ những thứ nhỏ nhất từ giao tiếp, tìm hiểu về công việc, học hỏi kĩ năng viết bài để làm sao có những tin bài có chất lượng gửi tới bạn đọc.

Khi bắt đầu làm việc, tôi nhận được sự chỉ bảo tận tình của đồng nghiệp, các cô, chú, anh, chị và cả các em. Tôi được đi theo các anh chị phóng viên lớn hơn, già dặn hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn để trải nghiệm, để học hỏi, tôi vẫn không thể có cho mình một bài hoàn hảo.

Tôi đã rất nản chí và từng có ý định bỏ cuộc vì tôi nghĩ, nghề viết lách quả là rất khó đối với mình. Nhưng rồi nhìn các đồng nghiệp làm việc hăng say, cả những bạn trẻ mới vào cơ quan cũng có tinh thần, khí thế hừng hực làm việc, tôi đã nghĩ “họ làm được thì mình cũng làm được”. Sau một thời gian tập tọe viết bài theo sự chỉ bảo, tôi cũng đã có cho mình một vài bài viết được xuất bản, cảm giác lúc đó thật tuyệt vời, giống như mình vừa trải qua được thử thách lớn vậy.

Khi cơ quan cho mọi người đi du lịch để nghỉ ngơi, vui chơi sau những ngày làm việc mệt mỏi, tôi đã có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ với toàn thể mọi người từ Ban Biên tập cho đến các bạn ở phòng ban khác. Đối với tôi thì tuổi trẻ là làm việc hết mình và chơi hết sức. Tôi vẫn nhớ kỉ niệm báo Đời sống & Pháp luật đi chơi tại Sapa hồi tháng 9/2019. Khi đó tôi đã hăng hái, xung phong làm hướng dẫn viên cho mọi người và không quên mang theo can rượu “khổng lồ” để được uống, được giao lưu với mọi người. Đó là những chuyến đi chơi, kỉ niệm tuyệt vời đối với chính bản thân tôi.

Sau một năm làm việc tại bộ phận Phununews, tôi được chuyển sang làm biên tập viên tại Trung tâm Truyền thông số, chuyên mục Pháp luật. Công việc làm biên tập cũng khá mới với tôi, nhưng tôi đã không còn run sợ như những ngày đầu mới đến. Bản thân tôi là người học Luật ra nên tôi áp dụng tất cả những gì mình được học vào công việc, từ việc tổng hợp những tin bài cho đến làm những bài tư vấn về pháp luật.

Tâm sự - Đời sống & Pháp luật - Ngôi nhà thứ hai của tôi

Ảnh minh hoạ.

Người ta thường nói và đưa ra nhiều nhận xét, ý kiến về nghề báo là nghề cao quý, nghề nguy hiểm, nhiều cám dỗ, nghề nghiệt ngã, nghề có danh-có thực-có quyền. Ở từng góc độ, mỗi ý kiến, mỗi nhận định đều có lý lẽ riêng của nó.

Nghề báo cao quý bởi luôn gánh trên mình sứ mệnh mà xã hội giao phó, lương tâm đòi hỏi, bởi mỗi thông điệp mà tờ báo đưa ra độc giả đều ngóng đợi để tin theo và làm theo. Nguy hiểm và nhiều cám dỗ ở chỗ, bản thân dấn thân vào nghề, chiến đấu với nghề, nhà báo nhiều khi rước vào mình bao nhiêu hoạn nạn và không ít người đã gục ngã vì trót bẻ cong ngòi bút, không đúng với tôn chỉ mục đích.

Nghiệt ngã bởi hàng đêm đối diện với "pháp trường trắng" (ngày xưa là trang giấy, bây giờ là màn hình máy tính), chắc chắn dẫn đến cảnh ngộ mà người trong nghề thường vẫn tự trào là "đàn ông mau già, đàn bà mau xấu". Có danh bởi người làm báo được ký tên lên sản phẩm của mình. Có thực bởi thu nhập của nghề báo không thấp. Có quyền bởi khả năng khởi tạo dư luận, định hướng thông tin... Thế nhưng, hầu hết những người đã, đang làm tại Đời sống & Pháp luật - một tờ báo còn non trẻ và có những hoàn cảnh đặc thù rất khó khăn - trước khi trải nghiệm những ấn tượng nghề nghiệp nói trên đều có chung một nhận định xuất phát từ thực tế công việc của mình: Nghề báo là một nghề nhọc nhằn và gian khổ.

Vì vậy, chúng tôi những con người tràn đầy sức trẻ, còn trẻ là còn phải chiến đấu hết mình vì sự nghiệp, góp một chút sức lực nhỏ bé của bản thân để cùng xây dựng Đời sống & Pháp luật ngày một lớn mạnh và vững vàng đi qua mọi sóng gió.

Đăng Khoa

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/doi-song-phap-luat-ngoi-nha-thu-hai-cua-toi-a551709.html