Kiến nghị trên được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đưa ra tại Hội nghị duyệt kế hoạch công tác năm 2021 của Sở, diễn ra mới đây, dưới chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hòa Bình.
Tổng vốn đầu tư là hơn 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, xã hội hóa qua hình thức đối tác công - tư (PPP) và nguồn vốn khác. Trong số dự án này, hai công trình có tổng mức đầu tư lớn nhất là đường trên cao số 1 (từ nút giao Cộng Hòa, quận Tân Bình đến đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh), vốn 17.500 tỷ đồng; Tuyến đường trên cao Số 5 (từ nút giao trạm 2, TP Thủ Đức đến ngã tư An Sương, quận 12), mức đầu tư 15.400 tỷ đồng.
Tuyến đường trên cao số 1 (từ Cộng Hòa - Lăng Cha Cả - Điện Biên Phủ - cầu Thủ Thiêm 1) dài khoảng 9,5 km. Tuyến đường trên cao này đi từ đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long nối dài đến cầu Phú An (Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh) để nối ra đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Việc xây dựng tuyến đường trên cao số 1 nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở các tuyến đường nội thành, đặc biệt giải quyết áp lực giao thông cho cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tổng mức đầu tư của tuyến khoảng 17.500 tỷ đồng.
Tuyến đường trên cao số 5 (giai đoạn 1 từ Trạm 2 đi theo quốc lộ 1 đến An Sương) dài khoảng 21,5 km, mức đầu tư gần 15.500 tỷ đồng.
Tiếp theo là cầu Cần Giờ (nối huyện Cần Giờ và Nhà Bè), vốn gần 10.000 tỷ đồng; cầu Thủ Thiêm 4 (nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm qua quận 7), 5.300 tỷ đồng; đoạn vành đai 2 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh), tổng vốn hơn 9.200 tỷ đồng; mở rộng quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu (TP Thủ Đức), gần 10.000 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng kiến nghị lập đề xuất chủ trương đầu tư hoàn thiện đoạn vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy, vốn hơn 1.200 tỷ đồng; đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến nút giao Nguyễn Duy Trinh - vành đai 2 (TP Thủ Đức), hơn 1.000 tỷ đồng; dự án kết nối Metro Số 1 và 2 tại ga Bến Thành (quận 1), vốn gần 2.100 tỷ đồng.
Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, 15 dự án này đều là những dự án "trọng điểm, cấp bách", cần ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh công tác chuẩn bị. Việc sớm đầu tư giúp tăng kết nối giữa các khu vực và góp phần phát triển kinh tế, xã hội Thành phố cùng các tỉnh lân cận.
Vốn đầu tư các công trình dự tính sử dụng hơn 32.000 tỷ đồng từ ngân sách, còn lại bằng các hình thức như đối tác công tư (PPP), vốn khác... Riêng 6 chương trình đầu tư công, tổng đầu tư gần 4.300 tỷ đồng.
Ông Lê Hoà Bình - Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thời gian qua Thành phố đang triển khai đầu tư các đường vành đai, trong đó khép kín vành đai 2. Vậy mục tiêu đặt ra là khi nào chúng ta khép kín tuyến đường này. Còn vành đai 3, 4, đường trên cao, chúng ta có quy hoạch rồi nhưng chưa làm được.
Theo ông Bình, về cơ bản các nhiệm vụ Sở Giao thông vận tải đã có báo cáo chi tiết, tuy nhiên cần xây dựng mục tiêu, chiến lược trong vòng 5 năm tới, có lộ trình cụ thể để theo dõi thực hiện.
Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị nghiên cứu cốt nền đường giao thông gắn quy hoạch đô thị do việc này liên quan lập quy hoạch điều chỉnh TP HCM, theo kế hoạch thông qua năm 2022. Do đó ngành giao thông cần có đánh giá để góp ý cụ thể cho từng khu vực phù hợp.
Đối với những khó khăn vướng mắc mà Sở Giao thông Vận tải Thành phố đề cập, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các Sở, ngành liên quan sớm có đề xuất, tháo gỡ.
Theo Enternews
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tphcm-de-xuat-dau-tu-15-du-an-giao-thong-voi-tong-von-hon-100000-ty-dong-a551992.html