Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG Pharma) mới đây công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021, dự kiến tăng trưởng 6% lên 3.970 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 821 tỷ đồng, bằng năm 2020.
Kế hoạch 2021 được "ông lớn" ngành Dược Việt Nam đặt ra dựa trên kết quả khả quan vừa đạt được của năm 2020. Theo đó, tổng kết năm 2020, tuy doanh thu thuần của DN giảm 3,6%, đạt 3.756 tỷ đồng so với năm 2019 nhưng lợi nhuận trước thuế lại đạt 821 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 739 tỷ đồng, tăng lần lượt 15,1% và 17% so với năm 2019.
So với kế hoạch cổ đông giao phó, DHG hoàn thành 97% về doanh thu và vượt 14% kế hoạch lợi nhuận. Kết thúc 2020, công ty giữ vững vị thế hãng dược lớn nhất, với doanh thu bằng cả 2 đối thủ đứng sau gộp lại, còn lợi nhuận bỏ xa mức trung bình của thị trường.
Theo lãnh đạo DHG, nguyên nhân chính làm tăng lợi nhuận năm 2020 là do doanh thu hàng DHG sản xuất tăng và DHG tập trung bán các sản phẩm chiến lược và chủ lực của Công ty; triển khai tốt dự án tăng năng suất và hiệu quả sản xuất giúp tiết giảm chi phí; chi phí bán hàng và quản lý được tiết giảm để phù hợp trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
DHG Pharma có tiền thân là Xí nghiệp quốc doanh Dược phẩm 2/9, thành lập ngày 02/9/1974, là doanh nghiệp dược nội địa lớn nhất Việt Nam xét về doanh thu và vốn hóa thị trường.
Với cương vị người dẫn đầu, doanh nghiệp hiện sở hữu danh mục đạ dạng hơn 300 sản phẩm, mạng lưới phân phối 28.000 nhà thuốc đại lý rộng khắp cả nước và thị trường xuất khẩu trải dài 14 quốc gia.
Có thể thấy, tiềm lực của ông lớn ngành Dược đã được ghi nhận trong suốt một thập kỷ qua, đặc biệt 5 năm trở lại đây, sau khi về tay người Nhật.
Báo cáo tài chính hợp nhất 10 năm gần nhất của Dược Hậu Giang cho biết, các chỉ tiêu về doanh thu thuần hàng năm, lợi nhuận sau thuế của đơn vị này đều tăng trưởng khá tốt.
Nếu như năm 2011 cả doanh thu và lợi nhuận thấp nhất trong 10 năm gần đây của DHG thì năm 2012, doanh thu tăng 17,7% đạt 2.931 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 17% đạt 491 tỷ đồng so với năm 2011; năm 2013 tiếp tục ghi nhận doanh thu đạt 3.527 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 593 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 21% so với năm 2012.
Tuy nhiên, đến năm 2014, doanh thu tăng 11% lên đến 3.913 tỷ đồng so với năm 2013 nhưng lợi nhuận giảm 10%. Đặt biệt, năm 2017 ghi nhận doanh thu cao nhất trong 10 năm qua.
Trước đó, tháng 5/2016, công ty CP Chế tạo thuốc Taisho (trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản) rót 100 triệu USD để mua 24,44% cổ phần Dược Hậu Giang với mức giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Đến tháng 6/2018, sau 2 năm hợp tác mỹ mãn, Taisho quyết định nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,94%. Đến giữa năm 2019, Taisho đã nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên trên 51% và chính thức trở thành công ty mẹ của hãng dược phẩm lớn nhất Việt Nam này.
Đây là thương vụ đã được Taisho theo đuổi nhiều năm và phải chi hàng nghìn tỷ đồng để trở thành cổ đông chi phối Dược Hậu Giang. Sau khi về tay người Nhật, doanh thu DHG ghi nhận ở mức trên 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của DHG ghi nhận đạt 4.448 tỷ đồng, tăng 7,3% so với đầu năm. Nợ ngắn hạn tăng 16% lên 816 tỷ đồng so với cùng kỳ - trong đó, nợ phải trả người bán ngắn hạn 252 tỷ đồng tăng 110% so với năm 2019; thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tăng 23%, nợ phải trả người lao động tăng 17%, nợ doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn tăng 69%.
Phong Linh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ong-lon-duoc-hau-giang-sau-5-nam-ve-tay-nguoi-nhat-a552092.html