Pháp luật về quản lý, thu thuế hoạt động kinh doanh trên Youtube nhìn từ tự Youtuber Thơ Nguyễn

Google, Youtube đã không xa lạ đối với người Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Và việc kiếm tiền từ Google, Youtube đang được nhiều người xem là công việc mang lại thu nhập chính.

Mới đây, Thơ Nguyễn - một Youtuber sở hữu kênh có 8,74 triệu lượt người đăng ký, là 1 trong 7 kênh có lượng người đăng kí khủng nhất Việt Nam, vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng sau khi đăng tải clip có nội dung về búp bê Kumanthong (một loại búp bê “bùa ngải” của Thái Lan) với nội dung hướng dẫn cách chăm sóc, nói chuyện với búp bê để xin vía học giỏi cho các bạn nhỏ. 

Cụ thể, Thơ Nguyễn ôm lấy một con búp bê, cô liên tục trò chuyện, xưng "mẹ - con", thậm chí còn đặt tên cho búp bê là Cư Ma Mập. Sau đó, nữ Youtuber cầm một sợi dây chuyền đung đưa qua lại trước mặt búp bê và nói: "Mập ơi, bây giờ con nghe lời mẹ này, mai các anh chị đi học rồi, giờ con cầu cho các anh chị học giỏi nha. Nếu mà con cầu được thì con lắc ngang, không cầu được lắc dọc, nói chung là cứ lắc tứ tung đi. Lắc đi, lắc cái đầu là mẹ cho ăn đòn tét mông ngay". Không chỉ vậy, cô còn cho búp bê uống nước ngọt và giải thích rằng muốn cầu được điều gì thì phải cho "bạn ấy" ăn uống.

cc3588d9b39b5ac5038a-1615721266.jpg
Ảnh cắt từ clip.

Ngay sau khi các đoạn clip được chia sẻ, nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng khi Thơ Nguyễn là một trong những Youtuber có tầm ảnh hưởng đối với trẻ nhỏ - đối tượng người xem chính mà nữ Youtuber này hướng tới. Bởi vậy, các bậc phụ huynh bày tỏ lo ngại vì đoạn clip có thể gây ảnh hưởng xấu tới con trẻ, khiến các em có những suy nghĩ lệch lạc.

Thực tế, những clip phản cảm, độc hại như của Thơ Nguyễn không hề ít. Cộng đồng mạng từ lâu đã dậy sóng các video mang tên Thử thách cùng MoMo hay kênh Peppa Pig với những video bắt chước theo bộ phim hoạt hình cùng tên của Anh có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát, hành xử bạo lực. Hay các kênh Bà Tân Vlog (chuyên nấu các món siêu khổng lồ với cách chế biến sơ sài, mất vệ sinh); Tam Mao TV (thường xuyên đưa nội dung ăn uống mất vệ sinh); Thanh Lương Vlog, Huỳnh Tấn Trường official hay PHD Troll (đưa ra thử thách nguy hại, ảnh hưởng không tốt tới người xem)...

Mục đích của người đăng tải clip phản cảm này nhằm câu view (lượt xem), câu like (yêu thích), từ đó thu về các khoản lợi nhuận “khổng lồ” từ quảng cáo, nên họ bất chấp các giá trị văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Vậy hiện nay, Nhà nước đang kiểm soát, thu thuế và xử lý đối với hành vi này như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Duyên Trần – Công ty Luật MTV FDVN để làm rõ.

luat-su-1615721314.jpg
Luật sư Duyên Trần

Cụ thể, theo Luật sư Duyên Trần, hiện nay, Google, Youtube đã không xa lạ đối với người Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Và việc kiếm tiền từ Google, Youtube đang được nhiều người xem là công việc mang lại thu nhập chính.

Đối với Google, người dùng muốn kiếm tiền từ quảng cáo thì sẽ sử dụng dịch vụ của Google Adsense. Theo đó, bạn phải tạo một website có chất lượng về nội dung, không sao chép. Người lập website sẽ đăng ký tài khoản Google Adsense nếu trang web đã có một lượng bài viết cũng như lượt truy cập nhất định. Nếu được Google thông qua thì lúc này họ sẽ tự động phân phối quảng cáo của các nhà quảng cáo đến trang web của bạn. Nếu trang web của bạn có lượt truy cập nhiều thì số người click vào quảng cáo hiện trong quảng cáo sẽ khiến người lập thu được khoản tiền tương xứng.

Cũng tương tự như Google, các Youtuber đều kiếm tiền từ các hoạt động quảng cáo bằng việc người tạo lập các video phải đạt được 10.000 lượt xem và phải là lượt xem thật. Bên cạnh đó, phải có ít nhất 4.000 giờ xem trong vòng một tháng gần nhất cho toàn bộ video và có 1.000 người đăng ký kênh. Khi thoả mãn các điều kiện trên, Youtuber có thể lựa chọn trở thành Partner của Youtube hoặc có thể kiếm tiền thông qua việc tham gia Network.

Để trở thành Youtube Partner thì phải thoả mãn điều kiện lượt xem, theo dõi mà youtube đã đặt ra. Khi đã được Youtube chấp nhận thì kênh của bạn sẽ được phép bật chế độ kiếm tiền. Sau đó, Youtube sẽ cho quảng cáo xuất hiện trên video của chủ kênh, số tiền kiếm được sẽ dựa trên số lượt click vào quảng cáo của người xem.

Do đó, về bản chất thì chủ kênh đã giao kết một hợp đồng hợp tác với Google, Youtube, trong đó có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.

Và theo khoản 6, Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 có quy định “Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình quảng cáo theo hợp đồng cung ứng dịch vụ quảng cáo với người quảng cáo.” Có nghĩa là, việc bạn đồng ý để Google, Youtube chạy một hoặc nhiều quảng cáo trên mỗi video clip mà bạn đăng tải bạn đã và đang gián tiếp thực hiện một hoặc một số công đoạn của quá trình quảng cáo theo hợp đồng cung ứng dịch vụ quảng cáo giữa Youtube với một hoặc các bên thứ ba. Do đó, đây là một hoạt động kinh doanh và bạn phải có trách nhiệm nộp thuế nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên theo Thông tư số 92/2015-TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế 71/2014/QH13 và Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế do Bộ trưởng bộ Tài chính ban hành. Các loại thuế phải nộp là thuế Thu nhập cá nhân và thuế Giá trị gia tăng.

Để thực hiện quyết liệt hoạt động thu thuế đối với các khoản thu nhập từ Google, Youtube…, vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 05/12/2020. Theo đó, các cá nhân ký hợp đồng với những công ty đối tác Việt Nam thì không tự kê khai mà tổ chức sẽ kê khai và nộp thay. Riêng trường hợp các cá nhân trong nước nhận tiền trực tiếp từ Google, Facebook... thì cá nhân tự khai thuế. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế để cơ quan thuế kiểm tra, truy thu và xử lý đối với các trường hợp không tự giác kê khai.

Hành vi không kê khai và không nộp thuế theo quy định sẽ được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn, mới ban hành gần đây nhất vào ngày 19/10/2020. Tùy theo hành vi và mức độ vi phạm mà có mức xử phạt khác nhau. Ngoài ra, nếu hành vi trốn thuế với số tiền 100 triệu đồng hoặc nếu đã bị xử phạt hành chính mà trốn thuế dưới 100 triệu đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt đối với tội này tối đa là 07 năm tù.

Việc ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến thuế đủ để thấy Nhà nước rất quyết liệt và nghiêm túc trong việc thu thuế đối với các khoản thu nhập từ Google, Youtube… Tuy nhiên, thực tế, thời gian vừa qua, một số trường hợp Youtuber nổi tiếng, có thu nhập “khủng” nhưng lại không thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định, dẫn đến việc cơ quan thuế tiến hành truy thu và xử phạt. Do đó, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế trước tiên là giúp được bản thân tránh được những gặp rắc rối như trên.

Cũng theo Luật sư Duyên Trần, các hành vi đăng tải các video không lành mạnh, phản cảm, độc hại lên mạng xã hội thì ngoài bị xử lý vi phạm về nội dung đăng tải còn có thể bị xử lý về hành vi vi phạm các quy định của Luật An ninh mạng 2018. Tuỳ theo tính chất, mức độ mà các hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ, hành vi đăng clip có nội dung về búp bê Kumanthong của Youtuber Thơ Nguyễn nói trên có dấu hiệu vi phạm về truyền bá mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục thể bị xử lý như sau:

Thứ nhất, về xử phạt vi phạm hành chính

Tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định: hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc sẽ bị phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật này.

Thứ hai, về xử lý trách nhiệm hình sự

Trường hợp thực hiện hành nghề mê tín dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín dị đoan quy định tại điều 320 Bộ luật Hình sự 2015, với hình phạt có thể là phạt tiền lên tới 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng và phạt tù lên tới 10 năm tù.

Ngoài ra, còn có thể bị truy cứu Tội đưa, hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ Luật hình sự 2015 với hình phạt lên tới 1 tỷ đồng và phạt tù lên tới 7 năm tù.

Tuy nhiên thực tế, mức xử phạt nêu trên là vẫn chưa đủ sức răn đe trong khi thu nhập từ việc quảng cáo, tiền thưởng, thu nhập từ các video là rất lớn.

Thời gian qua, theo yêu cầu của Việt Nam, trực tiếp là bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên quốc gia như Google, YouTube, Facebook đã có động thái gỡ bỏ một số nội dung xấu độc trên nền tảng của mình. Tuy nhiên, theo luật sư Duyên Trần, cần cụ thể hoá nội dung này vào văn bản pháp luật, đưa các hình thức khoá kênh, xoá kênh thành các biện pháp xử phạt bổ sung khi có hành vi vi phạm, đồng thời tăng mức xử phạt để mang lại hiệu quả thực tế.

Bên cạnh đó, vai trò của phụ huynh là rất quan trọng. Cha mẹ phải là các “huấn luận viên” của con trong vấn đề này. Cần trang bị kiến thức để hiểu, quan tâm giáo dục, dành sự quan tâm thỏa đáng để hướng dẫn con sử dụng mạng an toàn. Cần dành nhiều thời gian để nói chuyện, trao đổi với con, tránh tâm lý xem tivi, điện thoại là “bảo mẫu” giúp giữ con nhiều giờ, nhiều ngày. Và nói như Priscilla Idele - Quyền Giám đốc Unicef, thì: "Bạn nên dạy con bạn cách sử dụng Internet cũng giống như bạn dạy chúng cách sang đường. Không phải ngăn chúng sang đường là dạy trẻ em cách sang đường an toàn."

Nguyễn Hùng

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/phap-luat-ve-quan-ly-thu-thue-hoat-dong-kinh-doanh-tren-youtube-nhin-tu-tu-youtuber-tho-nguyen-a552128.html