Từ TikToker trở thành tỷ phú
TikTok là mạng xã hội video đang khuấy động cả thế giới bằng những clip cá nhân hóa thú vị và độc đáo, thu hút lượng người dùng khổng lồ. Đối với một số người, chơi TikTok đã trở thành một dạng nghề nghiệp và nghề nghiệp này có thể giàu, Yahoo Finance đưa tin.
Theo số liệu của Forbes đến tháng 6/2020, trong vòng 12 tháng trước đó, những người dùng có thu nhập cao nhất trên TikTok đã kiếm được hơn 1 triệu USD. Trên thực tế, TikTok đã trở nên sinh lợi đến mức mà một vài trong số những người này đang trên đường trở thành tỷ phú.
Theo phân tích mới từ Fresh Student Living dựa trên công cụ tính doanh thu của TikTok, một số ngôi sao được theo dõi nhiều nhất trên nền tảng này có thể trở thành tỷ phú sớm nhất vào năm 2033.
Đứng đầu danh sách là Charli D'Amelio, 16 tuổi, đang được theo dõi nhiều nhất trên TikTok với hơn 110 triệu lượt người, kiếm được 83.602 USD cho mỗi bài đăng. Chỉ cần đăng tải 5 bài quảng cáo mỗi năm, cô gái này sẽ trở thành tỷ phú vào năm 28 tuổi.
Người được theo dõi nhiều thứ hai là Addison Rae Easterling với hơn 78 triệu lượt người theo dõi, kiếm được 45.628 USD mỗi bài đăng và sẽ trở thành tỷ phú ở tuổi 37 vào năm 2038.
Ở vị trí thứ ba, thứ tư và thứ năm là Zach King 31 tuổi, Bella Poarch 24 tuổi và Spencer X 28 tuổi, những người kiếm được từ 39.000 đến 43.000 USD cho mỗi bài đăng, con số có thể giúp họ trở thành tỷ phú ở tuổi 53, 47 và 53 tương ứng, chỉ cần đăng tải 5 bài quảng cáo trong một năm.
Những con số này thậm chí còn không tính đến các nguồn doanh thu khác bên ngoài TikTok. Ngoài doanh thu quảng cáo trên nền tảng chính, TikToker thường kiếm tiền thông qua các bài đăng giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của khách hàng. Số tiền thu được sẽ thay đổi tùy theo số lượng người theo dõi và mức độ tương tác mà họ nhận được thông qua bình luận và lượt thích.
Sự trỗi dậy của TikTok
TikTok là một trong những ứng dụng “hot” nhất hành tinh. Nhưng nó không phải là sản phẩm của những cái đầu ở Thung lũng Silicon. TikTok thực chất là của Trương Nhất Minh, 37 tuổi, sống ở Trung Quốc.
Công ty của Trương, ByteDance, đã chứng kiến sự tăng trưởng chóng mặt. Theo Forbes, nhờ vào sự bùng nổ này mà Zhang đang có khối tài sản 60 tỷ USD (biến ông trở thành người giàu thứ 2 ở Trung Quốc) tính đến tháng 3/2021.
Nguồn gốc của TikTok khác với câu chuyện khởi nghiệp như cổ tích mà chúng ta từng nghe trước đây. Đó không phải là một đế chế được bắt nguồn từ một ý tưởng tuyệt vời bởi một vài người bạn trong chiếc gara cũ.
TikTok khởi nguồn là ba ứng dụng khác nhau. Đầu tiên là một ứng dụng ở Mỹ có tên Musical.ly, ra mắt vào năm 2014 và đã thu hút được lượng người sử dụng khá tốt.
Vào năm 2016, ByteDance tung ra một dịch vụ tương tự ở Trung Quốc có tên là Douyin. Nó đã thu hút 100 triệu người dùng ở Trung Quốc và Thái Lan chỉ trong vòng một năm.
ByteDance quyết định làm một thứ gì đó lớn lao hơn và mở rộng mô hình này dưới tên một thương hiệu khác - TikTok. Vì vậy, vào năm 2018, họ đã mua Musical.ly, hợp nhất và bắt đầu sự bành trướng toàn cầu của TikTok.
Bí mật của TikTok nằm ở việc sử dụng âm nhạc và có thuật toán cực kỳ tinh vi, giúp người dùng tìm đến nội dung muốn xem nhanh hơn nhiều ứng dụng khác. Người dùng có thể chọn từ một cơ sở dữ liệu khổng lồ gồm các bài hát, bộ lọc và đoạn phim để sử dụng cho mục đích sáng tạo nội dung cá nhân.
Mạng xã hội video đến từ Trung Quốc nhanh chóng đạt mốc hai tỷ lượt tải xuống và khoảng 800 triệu người dùng đang hoạt động vào năm 2020.
“TikTok thu hút người dùng theo nhiều cách. Đầu tiên là tính thuận tiện trong sử dụng. Việc chỉnh sửa và tải lên nội dung trong TikTok dễ dàng hơn nhiều so với các ứng dụng khác như Instagram hoặc Snapchat. Bất kỳ ai có điện thoại thông minh đều có thể dễ dàng tạo và đăng nội dung”, Kenny Trinh, thư ký tòa soạn Netbooknews giải thích về thành công của TikTok.
“Thứ hai, TikTok là một ứng dụng độc đáo, rất phù hợp, dường như được tạo ra cho thế hệ trẻ ngày nay, những người dành hầu hết thời gian dán mắt vào điện thoại thông minh và cảm thấy nhàm chán. Ứng dụng này vừa hấp dẫn lại không tiêu tốn nhiều thời gian, cộng với các video clip ngắn gần gũi và dễ chịu, đồng nhất với nội dung của nền tảng. Thứ ba, tôi cũng phát hiện ra rằng họ đang sử dụng các thuật toán AI tiên tiến để tìm hiểu sở thích của người dùng và sau đó cung cấp nguồn cấp dữ liệu video tùy chỉnh cho người dùng của họ”.
Còn với The New York Times, thành công của TikTok đến từ tâm lý “sợ bị bỏ lỡ”. “Sợ bị bỏ lỡ” là một cách phổ biến để mô tả cách mạng xã hội có thể khiến chúng ta cảm thấy người khác là một phần của điều gì đó – như tham gia một buổi hòa nhạc, khám phá điểm du lịch mới – còn mình thì không.
TikTok đã khơi gợi được cảm giác đó bằng nguồn video phong phú và độc đáo của mình, trên nền các bài nhạc mà bạn cũng chưa từng được nghe trước đó. Trên ứng dụng, các video cá nhân hóa được đăng tải về mọi thứ, từ trải nghiệm bản thân, kiến thức, hài kịch, hát nhép cho đến mẹo chải lông cho chó.
Theo các chuyên gia công nghệ, chi phí để phát triển một ứng dụng như TikTok rơi vào khoảng 20.000-30.000 USD. Nhưng chỉ trong hai năm, TikTok đã vươn lên sánh ngang với các công ty đối thủ như Netflix, YouTube, Snapchat và Facebook khi có mặt tại 150 thị trường trên toàn thế giới và 75 ngôn ngữ.
Bất chấp những vấn đề mang tính quy tắc gây tranh cãi như thu thập thông tin cá nhân và những thách thức khác, ByteDance đang xây dựng một đế chế ứng dụng cho thế hệ mới và xóa bỏ ranh giới giữa các nội dung kỹ thuật số truyền thống.
Mạnh Kiên
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật