Vừa qua, một doanh nghiệp tại Hà Nội đã được phê duyệt trúng gói thầu mua sắm thiết bị trường học tại một địa phương ở miền Trung với giá trúng thầu là hơn 20 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Nhà nước và thời gian thực hiện là 5 tháng.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng được phê duyệt trúng thầu gói thầu tương tự tại một tỉnh thuộc địa bàn Tây Bắc.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu hồ sơ gói thầu và tiến hành phân tích đơn giá các thiết bị, PV nhận thấy có hiện tượng bất thường trong giá thành.
Cụ thể, dù là chung thời điểm, cùng cấu hình, cùng đặc điểm kỹ thuật, xuất xứ như mô tả tại Chương V của E-HSMT (là hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, bảng yêu cầu báo giá đối với gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng - PV), thế nhưng, giá thiết bị tại 2 gói thầu lại có sự vênh nhau. Và do đó, cùng chung thiết bị nhưng số tiền chênh từ vài triệu tới vài chục triệu đồng. Tính chung. Tính chung, giá gói thiết bị tại hai gói thầu chênh nhau cả tỷ đồng.
Như vậy, vấn đề đặt ra là phải chăng, công tác lập hồ sơ mời thầu, xây dựng giá dự toán và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, thậm chí là phê duyệt gói thầu có vấn đề?
Để rộng đường dư luận, PV Đời sống & Pháp luật đã đặt lịch làm việc với đại diện sở giáo dục địa phương. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Trao đổi về vấn đề nêu trên, luật sư Mai Quốc Việt – công ty Luật FDVN cho biết, tại Điều 89, luật Đấu thầu 2013 đã có quy định rất cụ thể các hành vi bị cấm trong đấu thầu, như hành vi: Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu,...
Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 tại Điều 222 cũng đã có quy định xử lý liên quan đến tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, với hành vi vi phạm tại khoản 1, Điều 222 như Gian lận trong đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, thì người vi phạm có thể thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Với hành vi vi phạm tại khoản 2, Điều 222 như: Vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thì người vi phạm có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.
Do vậy, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (Điều 90, luật Đấu thầu 2013).
Luật sư Việt cũng cho rằng: “Trong trường hợp, nếu xác định được trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, thẩm định hồ sơ, lựa chọn nhà thầu nhưng đã xác định có vấn đề, có sai sót, có vi phạm nhưng người có thẩm quyền vẫn ký duyệt, vẫn tiến hành hoạt động đấu thầu thì ở đây trách nhiệm chính được đặt ra với người ký duyệt.
Do vậy, cơ quan chức năng cũng cần sớm rà soát lại toàn bộ hoạt động đấu thầu liên quan tới hai gói thầu này, cần rà soát, xác định được vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của các bên trong tiến trình thực hiện hoạt động đấu thầu, từ đại diện chủ đầu tư đến thành viên tổ thẩm định”.
Đối với trường hợp nêu trên, theo luật sư Mai Quốc Việt, rất cần sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng nhằm làm rõ việc có hay không hành vi tham nhũng, cố tình móc ngoặc nhằm “rút ruột” ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng cần sớm rà soát lại toàn bộ hoạt động đấu thầu liên quan tới các gói thầu này. Nếu có sai phạm, có hành vi trục lợi bất chính thì tùy từng trường hợp, cần có phương án xử lý cụ thể theo quy định của pháp luật.
Theo Đời sống & Pháp luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gia-thiet-bi-truong-hoc-tai-cac-goi-thau-hien-nay-lien-tuc-nhay-mua-a552521.html