Ngày 2/4, tin từ TAND TP.Đà Nẵng, sau những ngày xét xử, đơn vị này đã tuyên án vụ Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đây là vụ án phức tạp và nghiêm trọng mà Người Đưa Tin Pháp luật đã nhiều lần đăng tải nội dung.
HĐXX phúc thẩm TAND TP.Đà Nẵng cũng nhìn nhận, vụ án gây ra hậu quả lớn. Nhiều cán bộ đang vướng lao lý, có cán bộ bị kỷ luật. Thậm chí, vụ án này còn liên quan đến nhiều bên thứ 3.
Trước tòa là các bị cáo: Trần Văn Thôi, SN 1968, trú tổ 14, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu; Phan Viết Tiến, SN 1971, trú tổ 55, phường An Khê, quận Thanh Khê; Lê Sơn, SN 1964, trú tổ 108 phường Hòa Minh, Quận Liên Chiểu và Trịnh Duy Văn, SN 1959, trú tổ 64 Phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, cùng TP.Đà Nẵng - cựu cán bộ địa chính phường Hòa Khánh Nam.
Tổng cộng cơ quan chức năng xác định có 238 hồ sơ đất đai bị làm giả. Cũng từ đây, có đến 238 người là chủ sở hữu các sổ đỏ này phải hầu tòa. Họ liên tục xin HĐXX không tuyên thu hồi, hủy bỏ sổ đỏ này.
Về phần các bị cáo, 3 người kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng cựu cán bộ phường Trịnh Duy Văn có đơn kêu oan với 9 luận điểm bào chữa cho mình.
Trần Văn Thôi là bị cáo được xem là có vai trò phạm tội chủ chốt. Bị cáo này thừa nhận tham gia làm giả 238 hồ sơ đất đai.
Theo Thôi, có 2 hình thức làm giả. Thứ nhất, với hồ sơ sẵn mẫu, sẵn chữ ký của cơ quan chức năng, Thôi tiến hành ghi thông tin vào. Những thông tin này được ghi lùi thời gian mua bán làm sao cho phù hợp với thời điểm mà cơ quan có thẩm quyền ấn định.
Thứ 2, với những hồ sơ không có mẫu sẵn, không có chữ ký của cơ quan chức năng, bị cáo Thôi sẽ làm từ a - z. Con dấu được Thôi đặt làm ở Thái Lan, còn chữ ký thì Thôi tự giả ký.
"Trước khi đi Thái Lan làm con dấu giả, bị cáo chỉ làm giả hồ sơ theo cách 1, là viết thông tin lên các tờ mẫu (phôi) sẵn dấu và chữ ký", bị cáo Thôi nói và cho biết, việc làm giả là để có tiền nuôi con nhỏ.
Trong số 238 hồ sơ đất đai này, VKSND TP.Đà Nẵng xác định, bị cáo - cựu cán bộ phường Trịnh Duy Văn liên quan đến 2 hồ sơ của ông Huỳnh Hữu Bốn và bà Trần Thị Nhung (trú địa phương).
Cụ thể, năm 2008, ông Bốn mua một phần đất của bà Nhung rồi đi làm sổ đỏ. Bà Nhung biết chuyện nên nhờ ông Bốn làm luôn phần đất còn lại cho mình.
Ông Bốn sau đó đã gặp gỡ bị cáo Lê Sơn (người cũng đang bị xét xử - PV). Từ đó, Sơn đã nhận làm giả hồ sơ cho ông Bốn. Tập hồ sơ này được Sơn đưa cho một người khác. Cuối cùng thì đến tay Trần Văn Thôi (người cũng đang bị xét xử -PV).
Theo bị cáo Văn, mình bị truy tố liên quan đến hồ sơ ông Bốn và bà Nhung là không hợp lý. Vì Văn không biết 2 người này.
Cũng theo bị cáo Văn, tình tiết Văn giới thiệu ông Bốn cho bị cáo Lê Sơn là vì nghĩ Sơn thường hay giúp người dân làm thủ tục đất đai. "Bị cáo không giới thiệu ông Bốn gặp ông Sơn để làm hồ sơ giả như cấp sơ thẩm đã tuyên", Văn tự bào chữa.
Cũng theo bị cáo này, bản thân không biết hồ sơ của ông Bốn hay bà Nhung không đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Bị cáo Văn cũng không liên hệ gì với bị cáo Sơn trong suốt quá trình hồ sơ của ông Bốn bà Nhung được thực hiện.
"Tôi càng không tư lợi, không nhận tiền bạc của ông Sơn, ông Bốn hay bà Nhung", bị cáo Văn nói và dẫn giải thêm một chi tiết rằng thời gian ông Bốn, bà Nhung làm hồ sơ đất là năm 2014 và được cấp sổ đỏ tháng 4/2015 nhưng đến tháng 8/2015, Trần Văn Thôi mới đi Thái Lan làm dấu giả. Do đó, việc truy tố Văn là đồng phạm làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức với bị cáo Thôi là chưa hợp lý.
Ở phần nêu quan điểm của mình, vị đại diện VKSND TP.Đà Nẵng cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo đã rõ.
Ngoài ra, để hình thành nên 238 sổ đỏ này có những tài liệu trong hồ sơ là giả. Do đó, cần kiến nghị cấp quản lý Nhà nước thu hồi.
Sau giờ nghị án, HĐXX TAND TP.Đà Nẵng cho rằng, hành vi của bị cáo Thôi là đặc biệt nghiêm trọng. Thôi làm giả nhiều con dấu, tài liệu, thu lợi bất chính hơn 150 triệu đồng. Các bị cáo Tiến, Sơn tham giúp sức, môi giới và tư lợi theo từng hồ sơ. Riêng bị cáo Văn không tư lợi.
Đối với 238 sổ đỏ do làm hồ sơ giả mà tạo thành, HĐXX cho rằng, việc thu hồi tiêu hủy là đúng quy định pháp luật. Điều này vẫn chưa gây thiệt hại đối với 238 người có quyền lợi liên quan. Vấn đề này, cơ quan pháp luật cũng đã có văn bản hỏi ý kiến sở TNMT TP.Đà Nẵng.
Cuối cùng, HĐXX tuyên án không chấp nhận kháng cáo bị cáo Trần Văn Thôi, bị cáo Lê Sơn, bị cáo Trịnh Duy Văn và 25 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; chấp nhận một phần kháng cáo bị cáo Tiến.
Như vậy, bị cáo Tiến bị tuyên án 2 năm 6 tháng tù giam, Trần Văn Thôi 6 năm 6 tháng tù, Phan Viết Tiến 4 năm tù, 2 bị cáo Trịnh Duy Văn và Lê Sơn nhận mức án 2 năm 6 tháng tù. HĐXX cũng tuyên thu hồi, tiêu hủy 238 sổ đỏ nói trên.
Sau bản án, hàng loạt người dân có mặt tại tòa ủ rũ, buồn bã. Họ chính là những người liên quan đến 238 sổ đỏ vừa bị tuyên thu hồi.
"Mong cơ quan chức năng nghĩ lại vì người dân nào có biết gì. Dân chỉ mong có mảnh đất an cư", một người nói.
Trong khi đó, khi nhận mức án từ tòa, bị cáo kêu oan Trịnh Duy Văn vô cùng buồn bã. Văn cho rằng, mình vô cùng oan uổng.
Văn bị cho là liên quan đến 2 bộ hồ sơ của ông Bốn và bà Nhung nhưng tòa đã gọi nhiều lần 2 ông bà này vẫn vắng mặt. Văn mong được đối chất để làm rõ.
Lê Nhâm Thân - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/toan-canh-ky-an-phu-phep-238-ho-so-dat-dai-gia-a552617.html