Sáng 1/4, khoa Viêm gan, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận người phụ nữ 63 tuổi, quê Nam Định, trong tình trạng mệt mỏi, ăn kém, bụng chướng, phù hai chân.
Người nhà bệnh nhân cho biết: Cách đây 2 năm, vợ ông bị xơ gan do virus viêm gan B nhưng lúc đó, tình trạng còn nhẹ nên được về nhà điều trị. Nghe người xung quanh mách, ông bà tìm đến 1 nhà thuốc gia truyền ở Hòa Bình chuyên chữa gan và dạ dày.
"Tôi cũng nghe mọi người truyền tai nhau người bốc thuốc có bằng trung cấp đông y, được treo biển bán thuốc dạ dày và thuốc viêm gan. Có người từ miền Nam đã điều trị khỏi bệnh viêm gan sau khi dùng thuốc này", chồng của bệnh nhân chia sẻ.
Gia đình ông cho rằng xơ gan và viêm gan B là 2 bệnh khác nhau vì thế gia đình đã lên "kế hoạch" bỏ thuốc kháng virus để uống thuốc nam cho khỏi bệnh xơ gan rồi sẽ uống tiếp để điều trị viêm gan B. Với chi phí 60.000 đồng/1 thang. Một tháng uống 15 thang và uống liên tục trong 15 tháng.
Được biết, sau khoảng 1 năm uống thuốc, thấy bà có hiện tượng vỡ thành mạch, tình trạng viêm gan B tiến triển nặng nên đã gia đình đã đưa bệnh nhân vào viện.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Khoa Viêm gan cho biết, bệnh nhân này có tiền sử viêm gan B, phát hiện bệnh nhưng điều trị thuốc kháng virus không đều, bỏ thuốc 1 năm nay. Lúc khám, bệnh nhân được chẩn đoán có viêm gan mạn tính tiến triển và xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối, mất bù. Do bệnh nhân bỏ thuốc và dùng thuốc dùng thuốc nam nên hậu quả gây ra là bị xơ gan mất bù.
Trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ uống thuốc kháng virus, hỗ trợ gan và thải độc ra. Ngoài ra, bệnh nhân bị bụng chướng nên các bác sĩ tiếp tục theo dõi nước tiểu và điều chỉnh các thuốc để lợi tiểu, đồng thời điều trị cho hết dịch ổ bụng.
"Bệnh nhân có uống thuốc nam nên gây nhiễm độc gan, đẩy xơ gan tiến triển nhanh hơn. Trên nền bỏ điều trị thuốc kháng virus vì thế virus sẽ bùng phát khiến bệnh nhân bị bệnh nặng hơn. Bệnh nhân uống thuốc lá, không có tên gì đặc biệt nên rất khó để xác định được mẫu" , bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền cho hay.
BS Huyền cũng cho biết, phải ít nhất 2 - 4 tuần nữa, với điều kiện bệnh nhân điều trị tốt và đáp ứng thuốc, hết dịch ổ bụng và chức năng gan được cải thiện thì bệnh nhân mới được ra viện.
Vào ngày 30/3, Khoa Cấp cứu của bệnh viện cũng tiếp nhận người phụ nữ 73 tuổi, ở Hà Nam, có tiền sử bệnh viêm đa khớp, viêm gan B.
Bác sĩ Nguyễn Viết Nam, trực tiếp điều trị cho biết, người bệnh tự mua thuốc nam về uống chữa bệnh khớp song song với thuốc được chuyên gia chỉ định. Với bệnh viêm gan B, người bệnh chỉ uống thuốc nam, không nhớ rõ lấy thuốc ở cơ sở nào và thuốc không có tem mác.
"Người bệnh cho biết cứ ở đâu mách có thuốc gia truyền hay, chữa khỏi bệnh, bà sẽ tìm đến mua uống", bác sĩ Nam nói.
Khi nhập viện, bà bị suy hô hấp, tổn thương gan và thận, suy gan nặng. Bác sĩ Nam chẩn đoán nguyên nhân là ngộ độc thuốc nam. Ngày 1/4, bà được sử dụng thuốc hỗ trợ ổn định chức năng gan, thận, có thể phải lọc máu nếu tình trạng bệnh trở nặng.
Theo bác sĩ Nam, thuốc nam gia truyền bán ở các cơ sở không rõ nguồn gốc có thể trộn thêm các thuốc, chất tân dược khác, chất cấm hoặc chất có tác dụng giảm đau nhanh. Từ đó, thuốc giúp người bệnh có cảm giác triệu chứng giảm nhanh chóng, đang khỏi bệnh. Thực tế, thuốc khiến cho tình trạng suy chức năng gan, thận nặng hơn, gây rối loạn chuyển hóa, ảnh hướng tính mạng người bệnh nếu sử dụng kéo dài.
Cả hai người này đều bị nhiễm độc gan do sử dụng thuốc nam trong thời gian dài, tiên lượng nặng, dự kiến điều trị lâu.
Trước đó, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận khoảng 20 người bệnh nhập viện sau khi sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh gan và tiểu đường. Những người bệnh này đều ở trong tình trạng nặng, gan nhiễm độc, tổn thương.
Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh viêm gan B không tự ý bỏ thuốc kháng virus đang sử dụng và mua thuốc nam không rõ nguồn gốc để uống. Hậu quả của các thuốc này để lại trên người bệnh rất nặng nề, điều trị dai dẳng, tốn kém. Việc bỏ thuốc kháng virus sẽ khiến virus viêm gan bùng phát trở lại gây bệnh nặng hơn trước.
Hải Đăng (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/uong-thuoc-nam-gia-truyen-chua-viem-gan-nguoi-phu-nu-nhap-vien-khan-cap-a552639.html