Than “tặc” lộng hành nhưng cứ phát hiện là … vô chủ?!
22h đêm một ngày cuối tháng 3, nhóm PV điều tra Người Đưa Tin Pháp luật bí mật có mặt tại đường ĐT610, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đây là tuyến đường huyết mạch duy nhất dẫn vào mỏ than Nông Sơn.
Theo tin báo của người dân, thời điểm này, bãi tập kết than trái phép Anh Vi (thôn Trung Thượng, xã Quế Trung) đang mở cửa.
Dự kiến đêm nay than “thổ phỉ” sẽ hoạt động. Đúng như tin báo, khi chúng tôi ngang qua bãi này, cửa tôn đã mở. Phía trước bãi, cách con đường ĐT610 là nhóm nhiều thanh niên tụ tập, mờ ẩn trong bóng đêm.
Tiếp tục, chúng tôi bí mật có mặt gần tại bãi tập kết than trái phép của ông Phan Thanh Phước và bà Trần Thị Yến. Ở đây, có 1 nhóm đối tượng dùng than đốt tạo đống lửa nhỏ thắp sáng. Cạnh đó, một số người đội đèn pin túm tụm ngay cạnh số than tập kết.
Phát hiện có “khách không mời mà đến”, những người này tắt đèn, phân tán nhanh vào bóng tối. Cùng thời điểm này, “chim lợn” bắt đầu xuất hiện bám sát nhất cử nhất động của chúng tôi. Những người này tắt đèn xe thay nhau chạy theo xe chúng tôi.
Cùng lúc này, khi chúng tôi ngang qua bãi tập kết của Anh Vi thì nơi đây cũng đóng cửa im lìm.
Kế hoạch “mai phục” của chúng tôi thất bại trước sự chuyên nghiệp của “chim lợn” và cách thức hoạt động bến bãi trái phép này. Trăm phương ngàn kế đối phó từ công an, chính quyền, báo chí, than “tặc” thực sự đang làm mưa làm gió ở thủ phủ than Nông Sơn.
Nói về than “tặc” Nông Sơn, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, vấn đề này cơ quan công an nắm rõ và thường xuyên kiểm tra xử lý.
Theo giới thiệu của ông Hòa, chúng tôi liên hệ làm việc với Công an huyện Nông Sơn. Số liệu báo cáo mới nhất từ tháng 12/2020 – 14/3/2021 của cơ quan công an cho thấy, chỉ trong vài tháng đơn vị này phát hiện gần 24 tấn than trái phép và bàn giao lại cho mỏ than Nông Sơn quản lý.
Cùng với đó, cũng chỉ trong ít tháng qua, cơ quan công an cũng đã tịch thu hàng chục tấn than lậu khác làm thủ tục bán đấu giá sung công quỹ Nhà nước với giá trị định giá ước tính hàng trăm triệu đồng.
Điều đáng nói, trong các vụ việc phát hiện, bắt giữ nói trên đều không xác định chủ sở hữu, không có nguồn gốc. Duy nhất chỉ một vụ việc xác định được chủ đó là vụ vận chuyển 7.84 tấn than bằng xe tải. Khi đó, tài xế xe tải này đứng ra nhận chủ sở hữu của số than.
Theo lý giải của cơ quan chức năng, chỉ cần phát hiện động tĩnh từ công an, các đối tượng nhanh chóng tẩu thoát, để lại tang vật. Bởi than toàn trộm cắp, xe máy thì toàn loại cũ chế độ nên than “tặc” sẵn sàng vứt bỏ.
Ngoài thu giữ than lậu, trụ sở Công an huyện Nông Sơn cũng đang giữ rất nhiều các xe máy mà các than “tặc” vứt bỏ lại khi bị phát hiện. Số xe này đến nay hầu như đã thành sắt vụn.
Hé lộ mánh khóe phù phép than lậu?!
Theo tìm hiểu của chúng tôi từ người dân và chính quyền huyện Nông Sơn, khi lực lượng chức năng kiểm tra các bến xe tập kết than trái phép thì luôn có một “thủ thuật” mà các bến bãi thu mua than thường dùng để đối phó.
Đây cũng chính là mánh khóe tinh vi phù phép than lậu thành than có nguồn gốc để tuồn ra thị trường.
Theo đó, các đầu nậu tiến hành mua một số lượng than có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Ninh để lấy hóa đơn. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, đầu nậu sẽ xuất trình hóa đơn này nhằm hợp thức hóa nguồn hàng.
Bên cạnh đó, tinh vi hơn nữa là khi nhập than Quảng Ninh về bãi, đầu nậu trộn than này với than lậu ở Nông Sơn.
Số lượng hàng từ đó mà tăng lên, nhưng thực tế chất lượng giảm xuống vì than Nông Sơn không tốt bằng than tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, giá cả thì vẫn cao khi than “tặc” núp bóng than Quảng Ninh để bán.
“Mình nghe nói là họ đi mua than chính thống để lấy hóa đơn. Sau đó họ lấy than sỉ, đá than… các loại phế rẻ để trộn lại lẫn nhau rồi bán”, ông Đỗ Trường Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung tiết lộ.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Công an huyện Nông Sơn, khi bến bãi xuất trình hóa đơn thì rất khó để phân biệt đó là than Nông Sơn hay từ tỉnh Quảng Ninh.
“Hiện phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam đang điều tra một vụ liên các bãi tập kết than trái phép này về các vấn đề hóa đơn, kinh tế”, vị lãnh đạo Công an huyện Nông Sơn nói.
Thượng tá Hà Kế Xuyên, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam cũng thông tin rằng, trinh sát đang xác minh vụ việc.
Ông T.V (một tay buôn than ở TP.Đà Nẵng) tiết lộ với chúng tôi rằng, mánh khóe phù phép than lậu thành than có nguồn gốc vốn đã được dân than truyền tai nhau một thời gian dài.
Sở dĩ mánh này tồn tại được lâu và trở thành như “kim bài miễn tử” cho các đầu nậu là vì cơ quan chức năng sẽ khó xử lý. Bởi muốn xử lý phải phân biệt đâu là than chính thống, đâu là than lậu. Trong khi tất cả chúng đã được trộn đều, lẫn vào nhau.
“Tôi tiết lộ thế này nhé. Than Quảng Ninh tốt vào giá cao hơn than Nông Sơn. Chính vì vậy mỗi loại than có đặc tính, chất lượng, hàm lượng riêng. Nếu muốn biết cần lấy mẫu xét nghiệm rồi đối chiếu với số liệu tại mỏ Nông Sơn hay mỏ Quảng Ninh là ra ngay”, người này nói.
Cũng theo ông V., mỏ than Quảng Ninh cách xa Nông Sơn. Tính chi phí vận chuyển, giá cả thôi thì cũng thấy rõ đem về Nông Sơn bán chắc chắn lỗ.
Chẳng có ai dại gì ở ngay thủ phủ than Nông Sơn mà lại đi nhập than Quảng Ninh ở cách xa về bán. Chỉ dẫn chứng này thôi cũng thấy rằng, việc đầu nậu than Nông Sơn xuất trình hóa đơn than Quảng Ninh là để đối phó.
Còn tiếp…
Lê Nhâm Thân - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/than-tho-phi-quang-nam-ky-2-manh-khoe-phu-phep-than-lau-a552679.html