Vay nợ tài chính tăng mạnh, dòng tiền của Apax Holdings đang suy yếu?

CTCP Đầu tư Apax Holdings (mã: IBC) được xem là “cánh tay” dẫn vốn đắc lực trong hệ sinh thái của Shark Thủy. Tuy nhiên, trong năm 2020 kết quả kinh doanh không mấy khả quan nhưng hệ số “vay nợ” của doanh nghiệp vẫn liên tục tăng.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (còn gọi là Shark Thủy) được biết đến là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Egroup. Không chỉ vậy, ông còn là gương mặt khá quen thuộc đối với khán giả Việt trong chương trình Shark Tank Việt Nam. Nhờ định hướng giáo dục chuyển động theo cách mạng công nghệ 4.0, Shark Thủy đã xây dựng được “hệ sinh thái giáo dục” Egroup, với chuỗi 12 công ty con chuyên phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục và sức khỏe.

Sau gần 10 năm phát triển, Egroup đang cung cấp cho thị trường các giải pháp giáo dục từ chương trình mầm non đến bậc trung học phổ thông. Trong đó, Apax Holdings (HoSE: IBC) được xem là một “cánh tay” dẫn vốn quan trọng nằm trong hệ thống. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình hoạt động tài chính của doanh nghiệp này lại đang gặp những trở ngại vô cùng lớn dẫn đến tình cảnh “nợ nần”.

Nợ khó đòi… vay nợ tăng cao

Theo báo cáo tài chính quí IV/2020 của IBC ghi nhận doanh thu tăng trưởng 17% tương ứng với 1.952 tỷ đồng so với năm 2019. Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao khiến cho lợi nhuận gộp sụt giảm còn 270 tỷ đồng tương ứng với mức giảm 7,2%.

Trong kỳ, chi phí bán hàng, quản lý và chi phí khác không giảm, thậm chí có phần nhỉnh hơn nhưng lũy kế năm 2020, IBC vẫn báo lãi trước thuế 108 tỷ đồng. 

11-1617632139.jpg
Vay nợ tài chính trong năm 2020 của Apax Holdinsg tăng mạnh

Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gấp 3 lần so với năm 2019. Đặc biệt, trong khoản mục doanh thu tài chính của IBC có ghi nhận 42,6 tỷ đồng là “Lãi dự thu khoản đặt cọc với ông Nguyễn Ngọc Thủy”. 

Theo thống kê, tính đến ngày 31/12, tổng tài sản của Apax Holdings đạt 3.303 tỷ đồng (tăng 13,5% so với cuối năm 2019), tiền và các khoản tương đương tiền giảm 61% xuống còn 203 tỷ đồng, trong đó tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đều giảm mạnh. 

Hầu hết tài sản của doanh nghiệp này tăng thêm đều do các khoản phải thu “phình to” chiếm đến gần một nửa tổng tài sản của Apax Holdings. 

Cụ thể, tổng số công nợ các khoản phải thu được ghi nhận tại thời điểm ngày 31/12 đạt 1.174 tỷ đồng, một số hợp đồng theo kế hoạch phải hoàn thành trong quí IV/2020, nhưng đến nay vấn chưa xong như HĐHT vs công ty Terra Gold VietNam, hợp đồng với CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng công trình TCT…

Theo chia sẻ của một số nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, các khoản phải thu tăng cao đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang bị chiếm dụng vốn. Điều này cũng được xem là rủi ro, nhất là khi các khoản phải thu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của một doanh nghiệp.

Trong khi đó, phía bên kia của bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Apax Holdings cũng tăng 13,7% tương ứng với 2.245 tỷ đồng và gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Vay nợ ngân hàng và doanh nghiệp, cá nhân trong năm 2020 đã lên tới 1.083 tỷ đồng. 

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Apax Holdings trong năm 2019 đạt 538 tỷ đồng nhưng đến năm nay, do vốn bị kẹt từ khách hàng, các dự án đầu tư dàn trải trong khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid 19 dẫn đến dòng tiền kinh doanh âm 736 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 327 tỷ đồng.

Soya Garden - Startup được rót vốn khủng 100 tỷ trên bờ vực phá sản?

Là một startup chuyên các sản phẩm từ đậu nành hữu cơ, Soya Garden đã tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam để gọi vốn và được Shark Thủy cam kết đầu tư 15 tỷ ngay trên sóng truyền hình. 
 

22-1617632159.jpg
Chuỗi đồ uống Soya Garden được Shark Thủy đầu tư cũng đang có kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng

Sau vòng Due Diligence (thẩm định), Shark Thủy quyết định nâng số tiền đầu tư cho Soya Garden lên 20 tỷ đồng. Ngay sau gói đầu tư 20 tỷ vào đầu năm 2018 và 45 tỷ đồng rót thêm vào đầu năm 2019, cuối tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Egroup công bố đầu tư thêm 55 tỷ đồng vào Soya Garden, nâng tổng mức đầu tư lên 100 tỷ đồng. Con số này giúp Soya Garden trở thành startup gọi được nhiều vốn nhất Shark Tank Việt Nam đến hiện tại.

Được Tập đoàn Egroup của Shark Thủy đầu tư, Soya Garden từng “nuôi” tham vọng mở hơn 300 cửa hàng trên toàn quốc. Thế nhưng, đến tháng 5/2020, Soya Garden đã phải đóng cửa 23/50 cửa hàng. Thông tin này được Fanpage chính thức của Soya Garden xác nhận. Cụ thể, tại thời điểm đó, chuỗi này hiện chỉ còn 18 cửa hàng hoạt động ở phía Bắc và 5 điểm bán ở phía Nam.
Trả lời báo chí, Shark Nguyễn Ngọc Thủy giải thích, doanh nghiệp này đang trong quá trình tối ưu hóa, giữ lại những mặt bằng kinh doanh hiệu quả, và dừng những mặt bằng không đạt mục tiêu kinh doanh.

Trong khi đó, đại diện Soya Garden chia sẻ, doanh nghiệp đóng bớt mô hình chưa phù hợp, chuyển sang hướng kinh doanh mới hiệu quả hơn. Vào cuối năm 2020, Soya Garden sẽ chính thức ra mắt mô hình mới - kiosk và cửa hàng nhỏ của mình tại TP.HCM.
Ông Hoàng Anh Tuấn - CEO Soya Garden từng cho biết, giống như tất cả các chuỗi F&B, Soya Garden cũng bị tác hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nếu xét thêm khía cạnh là người mới ở thị trường cùng hầu hết cửa hàng đều ở vị trí đắc địa, tổn thương của chuỗi này còn sâu sắc hơn các đơn vị khác.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2020, kế hoạch chuyển hướng kinh doanh mới hiệu quả hơn của Soya Garden dường như chưa thể thực hiện, khi doanh nghiệp này tiếp tục phải đóng cửa thêm một loạt các điểm bán khác.


T.A. 

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vay-no-tai-chinh-tang-manh-dong-tien-cua-apax-holdings-dang-suy-yeu-a552699.html