Tuyên Quang: Bất ngờ rừng nghiến nghìn tuổi bị “hạ gục” sát chốt kiểm lâm

Những vết cắt còn mới tinh, những cành cây còn tươi rói, nhiều gốc nghiến đường kính “khủng” bị hạ gục… là những hình ảnh xót xa được ghi nhận tại Tuyên Quang.

Phá rừng rầm rộ ngay sát chốt kiểm lâm

Chiều 23/3, người dân thôn Bản Biến (xã Phúc Sơn, Chiêm Hoá, Tuyên Quang) hốt hoảng khi nghe 2 tiếng chấn động, vang dội trên rừng nghiến. Họ xác định là tiếng những cây gỗ nghiến bị chặt hạ ở đúng hướng có tiếng cưa xăng hoạt động liên tục mấy ngày nay.

Ngày 24/3, sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân, nhóm phóng viên tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã có mặt tại xã Phúc Sơn để xác minh sự việc.

Vượt qua các chốt trạm kiểm soát lâm sản mọc 2 ven đường, vào tới khu vực cánh đồng rộng lớn, một lối mòn nhỏ vừa vệt bánh xe máy dẫn chúng tôi tới khe suối cạn, nơi dừng nghỉ của những người tham gia cõng gùi gỗ nghiến.

Theo những dấu vết nhàu nát còn để lại trên nền đất ẩm ướt dốc ngược lên đỉnh núi, chúng tôi phát hiện nhiều địa điểm vương vãi mùn cưa đỏ ối, cạnh những mẩu gỗ nghiến bị xẻ vụn nham nhở của lâm tặc để lại.

go-tuyen-quang-4-1617675661.jpg

Nhiều gốc nghiến nghìn tuổi bị "hạ gục" tại xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. 

Thật khó mà xác định phương hướng khi đứng giữa khu rừng đại ngàn dậy tiếng cưa xăng, bởi tiếng vọng của nó âm vang ồn ã từ tứ phía, rồi những bóng người xuất hiện, cả đàn ông đàn bà với những thớt gỗ xẻ mới nặng nhọc trên lưng, họ cặm cụi men theo đường mòn xuống núi.

Sau khi ghi nhận sự việc, chúng tôi quyết định không đi về hướng có tiếng cưa xẻ mà rẽ về phía trái để tránh những va chạm không cần thiết. Tại hướng này, gỗ nghiến mới xẻ cũng được phơi bày ra trước mắt.

go-tq-1-1617675691.jpg

Những gốc cây còn tươi rói, mới bị cửa đổ chỉ cách thời điểm phóng viên ghi nhận vài ngày. 

Gần tới đỉnh núi lại một quang cảnh tan hoang, nhưng lần này có vẻ như không phải gỗ nghiến mà là một loài gỗ gì đó có màu vàng như gỗ trai chắc nặng, bị băm nát lẫn lộn với mùn cưa phủ kín mặt đất.

Hầu hết những hình ảnh được phóng viên ghi lại đều không hề có dấu vết kiểm tra, phát hiện của lực lượng kiểm lâm ở các chốt trạm chỉ cách hiện trường không tới 1km. Lúc này, câu hỏi đặt ra đầu tiên với nhóm PV là tại sao địa bàn xã có trạm kiểm soát lâm sản đặt trên Quốc lộ 279 và các chốt cửa rừng, thậm chí cả trong rừng nhưng tình trạng phá rừng, mất gỗ nghiến vẫn thường xuyên xảy ra một cách ngang nhiên và lộng hành đến vậy?

Truy vết lâm tặc vượt chốt phá rừng

Sau khi ghi nhận tại các điểm khai thác gỗ trái phép trên địa bàn, phóng viên tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã liên hệ với lãnh đạo UBND xã Phúc Sơn để thông tin về vụ việc.

Ông Chẩu Văn Học - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cảm ơn thông tin từ PV và khẳng định: “Ngay sáng ngày mai (ngày 26/3), tôi sẽ cho anh em đi kiểm tra ngay và xác minh cụ thể từ các cán bộ trông giữ rừng… Chắc chắn phải có người biết mà nói ra chứ không thể ai cũng nói dối tôi được, tôi không nghĩ thời điểm này lại có người gùi gỗ nghiến ở khu vực đó”.

Ông Học nói thêm: "Nếu ghi nhận được gì cứ chuyển cho tôi làm căn cứ xử lý, chỉ cần quay chụp hình ảnh rõ mặt những người đó tôi sẽ biết ngay họ là ai…".

Tiếp đó, phóng viên Người Đưa Tin Pháp luật cũng đã liên hệ, thông tin với UBND huyện Chiêm Hóa về thông tin vụ việc.

Lãnh đạo UBND huyện Chiêm Hóa cũng cho biết sẽ giao cho các phòng ban chuyên môn ngay lập tức phối hợp để kiểm tra, làm rõ thông tin phản ánh và sẽ thông tin sau.

Còn nữa...

PV - Người Đưa Tin Pháp Luật

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tuyen-quang-bat-ngo-rung-nghien-nghin-tuoi-bi-ha-guc-sat-chot-kiem-lam-a552711.html