Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7/4 (theo giờ địa phương) của Nhóm ứng phó với dịch bệnh COVID-19, Tiến sĩ Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết, dựa trên những ước tính gần đây nhất từ dữ liệu của cơ quan này, biến thể B.1.1.7 hiện là chủng lây lan phổ biến nhất ở Mỹ.
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng, biến thể lần đầu được phát hiện tại Anh này lây lan mạnh hơn chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu và có thể nguy hiểm hơn gắn liền với tỷ lệ tử vong cao hơn.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh, hiện có 16.275 trường hợp được xác nhận mắc biến thể B.1.1.7 tại 52 bang và vùng lãnh thổ của Mỹ.
Tại Đức, trong số khoảng 5.300 mẫu xét nghiệm dương tính với COVID-19 tại Berlin từ ngày 29/3 đến 4/4, số mẫu nhiễm biến thể phát hiện ở Anh chiếm tới 86%. Như vậy, biến thể ở Anh lần đầu được phát hiện tại Berlin ngày 8/1 đang lây lan với tốc độ chóng mặt, bởi chỉ khoảng một tháng trước, tỷ lệ nhiễm biến thể này chỉ chiếm chưa đầy 50% số ca mắc. Viện Robert Koch (RKI) hồi tuần trước thông báo tính trung bình tỷ lệ nhiễm biến thể ở Anh là 88%. Hai biến thể khác phát hiện ở Nam Phi và ở Brazil cũng đã xuất hiện ở Đức, song không lây lan mạnh như biến thể ở Anh.
Số liệu của các cơ quan y tế Đức công bố tối 7/4 cho biết trên nước này ghi nhận thêm 14.157 ca nhiễm mới và 317 ca tử vong. Số trường hợp tử vong tăng mạnh có thể do con số báo cáo muộn sau lễ Phục sinh, trong khi số ca nhiễm giảm là do nhiều cơ sở xét nghiệm đóng cửa trong những ngày nghỉ vừa qua. Hiện trên cả nước đang có khoảng 228.100 ca nhiễm bệnh, trong khi tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch tới nay là 2,91 triệu ca và 77.557 ca tử vong.
Trước tình hình dịch vẫn diễn biến nghiêm trọng, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang nỗ lực sửa đổi Luật Chống lây nhiễm để có thể buộc tất cả các bang thực hiện nhất quán các biện pháp chống dịch, thay vì quyền quyết định thực sự nằm trong tay các bang hiện nay - điều vốn dẫn tới tình trạng áp dụng các biện pháp không thống nhất ở mỗi bang. Việc sửa đổi luật trên cho phép chính phủ liên bang ban hành các biện pháp chống dịch mang tính ràng buộc đối với các bang, căn cứ vào tỷ lệ lây nhiễm có thể siết chặt hoặc nới lỏng các hạn chế và điều này là bắt buộc thực hiện. Tuy nhiên, việc sửa đổi luật sẽ mất nhiều thời gian, trong khi một biện pháp có thể nhanh chóng hơn là việc Thủ tướng Merkel đạt được đồng thuận thực hiện nhất quán các biện pháp chống dịch với các thủ hiến bang tại một hội nghị giữa chính quyền trung ương và các địa phương vào đầu tuần tới.
Một người phát ngôn Chính phủ Đức cho biết Thủ tướng Merkel ủng hộ thực hiện một chính sách chống dịch cứng rắn hơn, cụ thể là thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt trong thời gian ngắn, song được thực hiện đồng bộ ở các bang. Chủ trương này tương tự như đề xuất trước đó của Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) Armin Laschet, trong đó kêu gọi tiến hành phong tỏa nghiêm ngặt trong 2-3 tuần, cho tới khi có nhiều người được tiêm chủng hơn. Trong khi đó, theo Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) Markus Söder, những ý tưởng này chỉ khả thi khi tất cả các bang cùng thực hiện.
Hải Đăng (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bien-the-sars-cov-2-duoc-phat-hien-lan-dau-tai-anh-dang-lay-lan-manh-o-duc-my-a552764.html