Mì tôm (mì ăn liền) là loại thức ăn nhanh được nhiều người ưa chuộng vì dễ ăn, tiện lợi, nhất là trong cuộc sống gấp gáp, bận rộn như hiện nay. Thưởng thức bát mì tôm nóng hổi kèm cốc nước ngọt có gas mát lạnh là sự lựa chọn của không ít người. Tuy nhiên thói quen này tiềm ẩn nhiều hệ lụy đối với sức khỏe.
Mới đây người đàn ông họ Vương (25 tuổi), sinh sống ở Trung Quốc đã bị đau bụng đến mức ngã quỵ xuống đất và phải vào bệnh viện cấp cứu sau khi ăn một bát mì tôm và uống ly nước ngọt có gas.
Được biết, đêm đó bệnh nhân ở lại công ty tăng ca. Để tiết kiệm thời gian, anh giải quyết bữa tối nhanh gọn với mì tôm và nước ngọt. Không ngờ 1 giờ sau, anh bắt đầu cảm thấy đau bụng. Cơn đau ngày càng dữ dội đến mức anh bị ngã lăn xuống đất và được đồng nghiệp đưa vào bệnh viện.
Kết quả kiểm tra cho thấy trong bụng anh Vương có một lượng khí lớn. Vì vậy các bác sĩ đã sử dụng ống thông dạ dày rút khí ra cùng với đó là cả sợi mỳ và nước coca. May mắn một lúc sau sức khỏe của anh Vương đã ổn định nhưng vẫn phải ở lại bệnh viện để theo dõi thêm.
Đáng nói đây không phải trường hợp đầu tiên nhập viện vì kiểu ăn uống tai hại này. Trước đó, nam thanh niên Xiao Chao (25 tuổi) ở Hàng Châu (Trung Quốc) bất ngờ bị đau dạ dày, nhức mỏi vùng vai, lưng và quanh thắt lưng nên đã tới bệnh viện thăm khám.
Ban đầu bác sĩ không xác định được nguyên nhân nên chỉ kê đơn thuốc giảm đau và cho anh về. Tuy nhiên, Chao vẫn bị những cơn đau hành hạ nên phải tới bệnh viện tái khám. Lần này, qua chụp X-quang các bác sĩ phát hiện có quá nhiêu khí gas trong dạ dày của Chao. Tìm được nguyên nhân, họ nhanh chóng phẫu thuật luồn ống vào dạ dày, loại bỏ khí gas. Nhờ đó sức khỏe của Chao ổn định trở lại.
Theo một giáo sư sinh học và khoa học thực phẩm công tác tại trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Trung Khánh (Trung Quốc), khi uống coca, khí gas sẽ thoát ra khỏi cơ thể một cách tự nhiên thông qua quá trình ợ hơi. Tuy nhiên, nếu vừa ăn mì tôm vừa uống coca đã thế còn uống nhiều, liên tục sẽ khiến cho lượng khí cacbonic tích tụ lại trong dạ dày, từ đó gây chướng bụng, đau bụng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, sự kết hợp của hai loại thực phẩm này sẽ gây ra giãn nở dạ dày cấp tính hoặc thậm chí đột tử do vỡ thành dạ dày.
Do đó, nếu muốn thì chỉ nên uống nước ngọt có gas sau khi đã ăn mì xong và nên dành thời gian để lượng khí có thể thoát ra khỏi cơ thể thông qua ợ hơi. Tốt nhất nên xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, điều độ, hạn chế dùng đồ chế biến, đồ ngọt để tránh gây tổn hại đến sức khỏe.
Minh Hoa (T/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bo-ngay-thoi-quen-uong-thu-nay-khi-an-mi-tom-neu-khong-muon-no-bung-a552801.html