Truyền thông Iran ngày 10/4 dẫn lời người phát ngôn bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh khẳng định nước này loại trừ khả năng tham gia bất kỳ cuộc đàm phán “trực tiếp hoặc gián tiếp” với Mỹ nếu Washington từ chối dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Theo ông Khatibzadeh, Iran và Mỹ có thể đàm phán trở lại sẽ phụ thuộc vào việc Washington có quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (có tên gọi chính thức là “Kế hoạch hành động chung toàn diện” - JCPOA) hay không. Cho đến khi đó, hai nước sẽ không tiến hành đàm phán “trực tiếp hoặc gián tiếp.”
Ngoài ra, Iran và nhóm P4+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) cũng như Liên minh châu Âu (EU) đang phối hợp để xác định danh sách đầy đủ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ cần thực sự dỡ bỏ.
Đánh giá cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về JCPOA tại Vienna (Áo) vừa qua, ông Khatibzadeh cho rằng cuộc họp đã đi đúng hướng và có những động thái tích cực từ nhóm P4+1.
Các cuộc đàm phán tại Vienna cho thấy những động lực mà Iran và nhóm P4+1 tạo ra có thể được duy trì nếu Mỹ sẵn sàng thực thi các nghĩa vụ của mình theo Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông Khatibzadeh lưu ý rằng Tehran đang theo đuổi một "lập trường rõ ràng" và lộ trình khả thi để Mỹ có thể quay trở lại và tuân thủ đầy đủ JCPOA.
Trước một ngày, kết thúc vòng họp thứ 2 của Ủy ban hỗn hợp về JCPOA tại Vienne với sự tham gia của đại diện các nước Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc, Đức và Iran, các đại diện của Trung Quốc và Nga đánh giá các nỗ lực hiện nay nhằm đưa Iran và Mỹ quay lại thực thi JCPOA đã đạt tiến triển.
Các bên tham gia cuộc họp đã nhất trí tiếp tục gặp nhau trong tuần tới.
Trong khi đó, ngày 8/4, bộ Ngoại giao Mỹ đã hạ thấp kỳ vọng đối với những cuộc thảo luận tại Vienna về cách Washington và Tehran có thể quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, đồng thời cho biết đặc phái viên Mỹ có thể sẽ về nước khi tiến trình hội đàm tạm ngừng vào cuối tuần.
Cả Mỹ và Iran đều không kỳ vọng các cuộc đàm phán hiện nay sẽ tạo bước đột phá. Cả chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Iran đều nói rằng họ muốn hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề ngăn cản họ là việc ai sẽ thực hiện những bước đi đầu tiên - hay đưa ra những nhượng bộ trước - để đạt được mục tiêu này.
Hải Đăng (T/h)