Vợ chồng đại gia Lê Văn Kiểm- Trần Cẩm Nhung. |
Là một trong số những doanh nhân thế hệ đầu tiên tại Việt Nam, đại gia Lê Văn Kiểm được coi là người đi đầu thời mở cửa kinh tế những năm 1980, đã trải qua thăng trầm của hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn trong suốt mấy thập niên qua.
Đại gia Lê Văn Kiểm sinh năm 1945 trong một gia đình có truyền thống yêu nước trên quê hương Thừa Thiên Huế
Ông cùng vợ là bà Trần Cẩm Nhung (SN 1946) nổi tiếng trên thương trường với khả năng kinh doanh tài ba.
Từ những năm 1978, vợ chồng ông bắt tay vào kinh doanh thức ăn gia súc nhãn hiệu Huy Hoàng. “Hai vợ chồng tôi ngày làm việc Nhà nước, tối làm thức ăn gia súc. Công thức gồm cám, bột sò, vỏ đậu phộng, dầu dừa, bắp…trộn lên thành một hỗn hợp, bán rất chạy”, vị đại gia này chia sẻ.
Một thời gian sau, sản phẩm Huy Hoàng xuất hiện khắp nơi. Vợ chồng ông Kiểm nghiên cứu sản phẩm kế tiếp, ép dầu từ hạt cao su để làm sơn.
Việc kinh doanh thuận lợi khiến đại gia Lê Văn Kiểm có thời điểm tích lũy được tới cả nghìn cây vàng.
Đây cũng là thời kỳ bắt đầu mở cửa, Việt Nam nhận được rất nhiều đơn hàng may mặc theo kiểu “hàng đổi hàng” với thị trường Đông Âu.
Giữa 1988 – 1990, Huy Hoàng là công ty đầu tiên đầu tư đồng bộ hiện đại dây chuyền sản xuất với máy móc thiết bị nhập từ Nhật, không chỉ làm gia công mà còn xuất khẩu trực tiếp theo phương thức FOB.
Xuất hàng may mặc, đổi lấy xi măng, sắt thép và nhiều loại hàng hóa khác nhập khẩu về nước, ông Kiểm kể, việc đổi hàng thường là lời “1 ăn 5”.
“Tiền nhiều kinh khủng. Tôi mua hai xe tải, mua nhà mới ở số 9 Nơ Trang Long, Bình Thạnh và mua dự trữ rất nhiều vàng”, Forbes dẫn lời đại gia Lê Văn Kiểm.
Vì vậy, ông cho người xây hầm trong nhà, bên trên xây một chuồng gấu ngựa, ban đêm khi thợ về chất vàng xuống giấu, rồi mua hai con gấu ngựa về nuôi.
Năm 1990, ông Kiểm bắt đầu đầu tư vào bất động sản, đặc biệt mua nhiều vị trí đắc địa ở trung tâm quận 2, TP.HCM.
Tuy nhiên, chính việc thế chấp đất đai, đầu tư từ tiền vay ngân hàng của ông dẫn đến rủi ro, khi khủng hoảng tài chính xảy ra dẫn đến thị trường địa ốc đóng băng.
Năm 2001, sau khi trả hết nợ, ông Kiểm quyết định xây dựng sân Golf Long Thành với kinh phí đầu tư trên 600 tỷ đồng, diện tích 340 ha.
Đại gia này còn mở thêm lĩnh vực du lịch bằng việc đầu tư vào khu du lịch thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Gia đình ông Lê Văn Kiểm còn đầu tư lớn tại Lào với dự án sân golf và khách sạn Vientiane.
Tháng 7/2019, Công ty TNHH KN Cam Ranh (một thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành) cũng đề xuất đầu tư dự án KN Paradise có casino hơn 2 tỷ USD tại Cam Ranh (Khánh Hòa).
KN Paradise Cam Ranh được giới thiệu là quần thể khu nghỉ dưỡng 5 sao, bao gồm các chức năng khách sạn 4 và 5 sao, câu lạc bộ golf, khu dịch vụ somerset, căn hộ, villa, nhà phố biển, công viên giải trí..
Bạch Hiền (T/h) - Theo Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dai-gia-mot-thoi-tien-nhieu-khong-dem-xue-phai-xay-ham-giau-vang-la-ai-a553059.html